QUY ĐỊNH
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2009/QĐ-UBND
ngày 13 tháng 10 năm 2009 của Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí và chức năng của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phát triển nông thôn, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại nông thôn, kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề ở nông thôn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện và theo quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành, lĩnh vực công tác ở địa phương.
2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Trình Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm; chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn để Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện dự thảo các văn bản về lĩnh vực chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được giao.
4. Tổ chức thực hiện công tác phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nghề muối; công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, sâu bệnh, dịch bệnh trên địa bàn.
5. Tổ chức bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi vừa và nhỏ; công trình nuôi trồng thủy sản; công trình cấp, thoát nước nông thôn; công trình phòng, chống lụt, bão theo quy định của pháp luật.
6. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, thò traán trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn; về thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác lâm sản; chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản và muối; phát triển ngành, nghề, làng nghề nông thôn.
7. Đầu mối phối hợp tổ chức và hướng dẫn thực hiện nội dung liên quan đến phát triển nông thôn; tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện việc xây dựng và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện về các lĩnh vực: phát triển kinh tế hộ, trang trại, kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển ngành, nghề, làng nghề nông thôn; khai thác và sử dụng nước sạch nông thôn; chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản và muối.
8. Thống kê diễn biến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất diêm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản, diễn biến rừng; tổ chức thực hiện các biện pháp canh tác phù hợp để khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nghề muối.
9. Quản lý các hoạt động dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản; vật tư nông lâm nghiệp, phân bón và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
10. Tổ chức thực hiện công tác khuyên nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến diêm và các dự án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện.
11. Giúp Ủy ban nhân dân huyện thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đăng ký, cấp các loại giấy phép thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật và theo phân công của Ủy ban nhân dân huyện.
12. Giúp Ủy ban nhân dân huyện quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các hội và tổ chức phi Chính phủ trên địa bàn thuộc các lĩnh vực quản lý của phòng theo quy định của pháp luật.
13. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và thanh tra việc thi hành pháp luật; tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn; các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng của huyện theo quy định; đề xuất phương án, biện pháp và tham gia chỉ đạo việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai về lụt, bão, sạt lở, hạn hán, dịch bệnh, ảnh hưởng của triều cường dâng cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện.
15. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn theo quy định của Ủy ban nhân dân huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
16. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Điều 3. Về tổ chức, biên chế của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Trưởng phòng và caùc Phó Trưởng phòng. Trưởng phòng và các Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định tại Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ.
2. Cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện được bố trí tương xứng với nhiệm vụ được giao.
3. Số lượng biên chế cụ thể làm công tác quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định trong tổng số biên chế hành chính của huyện.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động
1. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, làm việc theo chế độ Thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng, đồng thời chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện các mặt công tác chuyên môn.
2. Các Phó Trưởng phòng là người giúp việc cho Trưởng phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Trưởng phòng vắng mặt, ủy quyền lại cho một Phó Trưởng phòng điều hành mọi hoạt động của Phòng. Các Phó Trưởng phòng thực hiện các công việc do Trưởng phòng giao theo lĩnh vực, liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về những phần việc được phân công phụ trách.
3. Những công việc quan trọng thuộc Phòng đều được thông qua trong lãnh đạo Phòng trước khi quyết định.
4. Các công chức, nhân viên làm việc theo sự phân công của Trưởng phoøng, Phó Trưởng phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Điều 5. Bổ nhiệm, miễn nhiệm
1. Việc bổ nhiệm Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
2. Việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Luân chuyển, điều động
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức thuộc Phòng theo quy định của pháp luật và theo phân công quản lý cán bộ, công chức, viên chức hiện hành.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7. Chế độ làm việc
1. Trưởng phòng phụ trách, điều hành mọi hoạt động của Phòng và phụ trách những mặt công tác trọng tâm. Các Phó Trưởng phòng phụ trách những lĩnh vực công tác do Trưởng phòng phân công; trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh.
2. Khi giải quyết những công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách có liên quan đến nội dung chuyên môn của Phó Trưởng phòng khác, Phó Trưởng phòng chủ động bàn bạc thống nhất hướng giải quyết, chỉ trình Trưởng phòng quyết định những vấn đề chưa thống nhất với các Phó Trưởng phòng khác hoặc những vấn đề mới phát sinh nhưng chưa có chủ trương, kế hoạch và biện pháp giải quyết.
Điều 8. Chế độ sinh hoạt, hội họp
1. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp toàn thể cơ quan mỗi tháng 1 lần, để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong tháng và triển khai kế hoạch thực hiện tháng tiếp theo; cuối tuần, lãnh đạo Phòng tổ chức họp giao ban để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong tuần, bàn bạc thống nhất kế hoạch các mặt công tác tuần sau.
2. Căn cứ kế hoạch đã thống nhất tại cuộc họp giao ban lãnh đạo Phòng, các Phó Trưởng phòng tổ chức họp với các bộ phận trực thuộc để thông báo lại tình hình thực hiện các mặt công tác trong tuần qua, đồng thời triển khai kế hoạch tuần tiếp theo để các bộ phận trực thuộc bàn bạc thống nhất giải pháp tổ chức thực hiện.
3. Lãnh đạo Phòng phải xây dựng lịch công tác hàng tuần và phải nêu cụ thể những công việc cần phải thực hiện gửi về Uỷ ban nhn dn huyện nắm; cán bộ chuyên môn trực thuộc Phòng xây dựng lịch công tác tuần cho riêng mình thông qua lãnh đạo Phòng (phụ trách bộ phận) phê duyệt.
Điều 9. Mối quan hệ công tác
1. Mối quan hệ giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Là mối quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên về công tác chuyên môn và nghiệp vụ theo lĩnh vực ngành; thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ; chấp hành nghiêm việc báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định và báo cáo theo yêu cầu của Giám đốc Sở.
2. Mối quan hệ giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban nhân dân huyện
- Là mối quan hệ phục tùng, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân huyện trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; báo cáo thường xuyên, định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện các lĩnh vực do Phòng quản lý với Ủy ban nhân dân huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện theo quy định.
- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp thực hiện những công việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách khối giao. Tham mưu đề xuất cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (phụ trách khối) các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Mối quan hệ công tác giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các phòng, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện
- Là mối quan hệ phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện, nhằm mục đích thực hiện, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương do Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giao.
- Phối hợp với các phòng, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng kế hoạch liên tịch để thực hiện các mặt công tác chuyên môn có liên quan, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các qui định của pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
4. Mối quan hệ công tác giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn
- Là mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ để Ủy ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ chuyên môn các xã, thị trấn về chuyên môn nghiệp vụ, chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch của ngành theo quy định.
Chương V
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Khen thưởng
Những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, công tác và thực hiện tốt Quy định này, góp phần cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Xử lý vi phạm
Cán bộ, công chức, viên chức Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Trách nhiệm thực hiện
Căn cứ Quy định này, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Trưởng phòng Nội vụ, Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Lý Hoàng Tiến
|