Mô hình chợ 4.0 trên địa bàn huyện Ngọc Hiển được thí điểm năm 2022 tại chợ Rạch Gốc được tiểu thương và người dân trên địa bàn hưởng ứng, thay đổi thói quen của người dân trong các hoạt động mua sắm hàng ngày từng bước tiếp cận với nền tảng số. Không chỉ người mua mà người bán cũng được trải nghiệm nhiều sự tiện dụng thiết thực và khá thú vị ở “Chợ 4.0” . Chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại thông minh được kết nối mạng internet, tiểu thương và người dân có thể thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số tài khoản được dễ dàng, thuận tiện, vừa an toàn hạn chế nhầm lẫn.
Ông Lê Văn Tiến, khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển nói “Gia đình tôi bán rau củ quả trong chợ nên khách hàng đến mua vài chục ngàn cũng phải chuyển khoản. Trước đây bà con đến chợ mua đồ đều trả tiền mặt từ khi thực hiện chợ 4.0, mỗi người mua ít hay mua nhiều đều phải chuyển khoản hoặc quét mã QR để thanh toán tiền. Tôi thấy từ khi áp dụng chuyển đổi số rất tiện lợi cho người mua lẫn người bán, tránh được nhiều sai sót khi khách hàng đông. Ở chợ các tiểu thương đều trang bị cho mình QR để khách hàng quét mã chỉ cần vài giây đã nhận được tiền, không phải chờ đợi lâu”.
Anh Nguyễn Trọng Nhân, khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết “Từ khi được tuyên truyền về việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong đời sống hàng ngày nên tôi cũng cài đặt các app thanh toán trực tuyến như Viettel Money, Arigbank E – Mobile Banking, ví điện tử…để vô chợ có thể chuyển khoản cho người bán. Lúc đầu tôi chỉ chuyển những khoản tiền lớn, còn tiền nhỏ thì tôi trả tiền mặt nhưng khi thấy lợi ích của chuyển khoản nên giờ mua cái gì tôi cũng thanh toán trực tuyến nên không lo sợ khi đem theo nhiều tiền mặt”.
Người dân quét mã QR khi mua hàng
Đến nay thị trấn Rạch Gốc đã cài đặt mã QR cho 290 cơ sở kinh doanh trên địa bàn đạt tỷ lệ 100%. Ủy ban thị trấn Rạch Gốc phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, ngân hàng cung cấp nền tảng thanh toán số trên địa bàn đã tích cực cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt mở rộng các tiện ích thanh toán số, phát triển mô hình ngân hàng sớm gia tăng tiện ích như mở tài khoản trực tuyến, mã QR…Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đảm bảo chính xác, an toàn trong thanh toán.
Chị Huỳnh Ngọc Quỳnh, khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chia sẽ “Bây giờ hầu như mọi người đều thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng số. Thường tâm lý mọi người ngại mang theo nhiều tiền mặt. Chỉ cần một chiếc điện thoại, có tài khoản ngân hàng, quẹt mã là có thể thanh toán hàng nhanh chóng, tiện lợi. Nếu như trước mọi người còn e ngại chuyển khoản thì giờ họ rất hài lòng và xem việc thanh toán không dùng tiền mặt như một thói quen trong cuộc sống hàng ngày”.
Bà Tiết Mỹ Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển nhìn nhận “Việc thanh toán trực tuyến sẽ giúp mọi người thay đổi nhận thức từ trả tiền mặt sang sử dụng điện thoại để thanh toán thông qua quét mã QR hoặc số điện thoại, tài khoản ngân hàng, qua đó giúp các tiểu thương và khách hàng tiếp cận nhiều hơn về công nghệ số. Hiện nay các hộ sản xuất kinh doanh, tiểu thương trong chợ đều có mã QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân thuận tiện trong các giao dịch mua sắm, làm quen với môi trường số”.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 99,75% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được lắp đặt mã QR thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng thường xuyên; tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên đạt 100%; tỷ lệ người lao động trong độ tuổi được hướng dẫn cài đặt ứng dụng (App) thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 63,83%.
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển thông tin “Từ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện cho thấy người dân đã tiếp cận được phương thức thanh toán số, tại các quán ăn, nhà hàng hay trong chợ người dân đều chuyển khoản. Hướng tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình chợ 4.0 đến các xã còn lại trên địa bàn huyện, tiếp tục phối hợp với đơn vị viễn thông để triển khai; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tải App và cài đặt các nền tảng số, trong đó có nền tảng không dùng tiền mặt khi giao dịch mua bán hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế số”.
Mô hình chợ 4.0 là bước chuyển quan trọng trong đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số nhằm từng bước hình thành thói quen, đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân trên địa bàn huyện, hướng đến xây dựng chợ truyền thống văn minh, hiện đại./.