Là đơn vị đóng quân trên vùng biên giới biển, Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã thực hiện quyết liệt công tác chống khai thác IUU, phân công cán bộ biên phòng trực 24/24 nhằm kiểm soát tàu cá ra, vào cửa biển và kiểm tra những giấy tờ thủ tục, thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi ra khơi theo đúng quy định. Tuyên truyền cho các tàu cá về chủ quyền đánh bắt trên biển; giúp ngư dân chấp hành nghiêm quy định về Luật khai thác, đánh bắt thủy sản, không để vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồn Biên phòng còn tặng cờ tổ quốc cho các tàu cá để mỗi ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật và khẳng định tính hợp pháp khi đánh bắt trên biển. Ngoài ra, các cán bộ biên phòng còn tăng cường công tác phát loa lưu động theo các tuyến dân cư ven biển để người dân nắm, cùng thực hiện tốt các quy định trong khai thác, đánh bắt thủy sản góp phần chống khai thác IUU trên địa bàn.
Đồn biên phòng Rạch Gốc tặng lá cờ tổ quốc cho ngư dân
Ông Nguyễn Lê Tâm Thiện, Tàu cá tỉnh Kiên Giang nói “Tàu của tôi làm nghề câu mực nên thường xuyên ra vào cửa Rạch Gốc để bán hàng và lấy nhiên liệu; khi ra, vào cửa biển tôi đều phải xuất trình giấy tờ cho Đồn để kiểm tra như giấy đăng kiểm, giấy đăng ký khai thác thủy sản, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, sổ nhật ký của tàu…có đủ các giấy tờ và còn hạn thì chúng tôi mới được ra khơi. Ngoài ra, các anh cũng nhắc nhở chúng tôi khi khai thác trên biển phải bật kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá để lực lượng biên phòng theo dõi quá trình di chuyển của tàu cá, nếu có khai thác gần biên giới biển của nước ngoài phải quay về ngay”.
Ông Lưu Minh Đương, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết “Mỗi khi ghé trạm kiểm soát cán bộ biên phòng đều tuyên truyền nhắc nhở hoặc phát tờ rơi về những quy định trong khai thác thủy sản nhất là không được khai thác thủy sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài, nếu vi phạm là xử phạt rất nhiều tiền và có thể phạt tù nên chúng tôi đều chấp hành theo đúng quy định của Nhà nước, đủ thủ tục các anh mới cho ra khơi”.
Hiện nay trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 102 tàu cá “3 không” được số hóa đạt 100%. Riêng thị trấn Rạch Gốc có 18 tàu cá “3 không” đã được số hóa. Đồn biên phòng Rạch Gốc phối hợp Ủy ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc tiến hành cho các hộ dân làm cam kết chuyển đổi ngành nghề đối với các phương tiện khai thác mắc lưới nhỏ, hoạt động gần bờ không hiệu quả. Tiến hành số hóa cho các phương tiện “3 không” các phương tiện khai thác hết hạn đăng ký, đăng kiểm; phương tiện mua bán bằng giấy tay...Qua tuyên truyền, gặp gỡ các chủ tàu cá đều chấp hành theo đúng quy định của Nhà nước, neo đậu tàu cá.
Ông Phan Văn Kiệt, khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chia sẽ “Tàu cá nhà tôi thuộc diện “3 không” nên tôi đã ký cam kết sẽ không ra biển đánh bắt và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cho gia đình tôi thực hiện các thủ tục như đăng ký tàu cá, đăng kiểm và gia hạn lại để đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định”.
Trung tá Lê Thanh Sử, Chính trị viên Đồn Biên phòng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thông tin “Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của cấp trên, ban chỉ huy đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện nghiêm túc về công tác chống khai thác IUU. Chỉ đạo cho trạm kiểm soát thực hiện nghiêm 7 kiểm 1 chứng theo quy định của Bộ tư lệnh. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ các phương tiện đánh bắt xa bờ, đánh bắt dài ngày những phương tiện có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, Ban chỉ huy đơn vị cũng thành lập 01 tổ chốt chặn cửa Vàm Lũng và những cửa thông ra biển không có trạm kiểm soát, kiên quyết không để tàu cá ra khơi khi thực hiện không đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Riêng tàu cá 3 không được trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc đã được số hóa đảm bảo đủ điều kiện mới được ra khơi”.
Cùng với các cấp, các ngành, Đồn biên phòng Rạch Gốc đang nỗ lực giúp bà con ngư dân nắm vững vùng biên giới biển của Việt Nam, tự giác chấp hành pháp luật khi thác thác thủy sản trên biển, không có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài đế đánh bắt thủy sản trái phép, chung tay cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam./.