Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy: Làm việc với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ngọc Hiển
Huyện Ngọc Hiển có ngư trường rộng lớn với 98 km bờ biển, có cụm đảo Hòn Khoai, có diện tích nuôi thủy sản ven biển nuôi nghêu. Trên địa bàn huyện có 1.219 phương tiện đánh bắt thủy sản. Trong đó có 105 tàu khai thác xa bờ, tổng công suất 60.115 CV tổng sản lượng khai thác nuôi trồng thủy sản biển hằng năm hơn 32.000 tấn. Ngoài ra, huyện có 33 phương tiện tàu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá, 01 cảng cá và 12 bến cá tư nhân; 12 cơ sở sản xuất nước đá; 147 cơ sở thu mua thủy sản; 09 công ty với 31 cửa hàng xăng, dầu. Từ năm 2020 đến nay huyện không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, trên địa bàn huyện có 105/105 tàu lắp đặt thiết bị hành trình tà cá.
Toàn cảnh buổi giám sát
Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai đã phối hợp triển khai 01 khu tái định cư, dự kiến sẽ sắp xếp cho 238 hộ dân ổn định cuộc sống. Huyện được quan tâm đầu tư xây dựng hơn 18,160km kè chắn sóng; 02 khu neo đậ tránh trú bão tại trị trấn Rạch Gốc.
Tại buổi làm việc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ngọc Hiển đã nêu lên những khó khăn tình trạng cửa biển Rạch Gốc hiện nay bị cạn nên tàu có công suất 400 CV trở lên không cặp được cảng cá, tuyến đường Hồ Chí Minh nhỏ, tải trọng thấp, xe có tải trọng lớn không thể vào được cảng cá để vận chuyển hàng hóa. Tỉnh cần quan tâm đầu tư nâng cấp lộ giao thông từ cảng cá Rạch Gốc đấu nối đến đường Hồ Chí Minh.
Đại diện Đoàn Giám sát số 355, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh Ủy Lê Thanh Triều nhấn mạnh, muốn phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, ven biển huyện Ngọc Hiển cần khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thực hiện việc quy hoạch phát triển kinh tế biển, điện gió, khai thác thủy sản, khai thác cụm đảo Hòn Khoai; khai thác tốt tiềm năng về kinh tế rừng, nuôi trồng thủy sản và xây dựng được vùng nuôi tôm được chứng nhận. Phát huy hiệu quả các sản phẩm đặc trưng của địa phương từ việc khai thác đến phục hồi, phát triển nguồn giống thủy sản gắn với xây dựng thương hiệu. Phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân. Tăng cường ứng dung hiệu quả khoa học, kỹ thuật trong sản xuất trên lĩnh vực nuôi tôm, khai thác đánh bắt thủy sản, kinh tế ven biển, ven sông. Tăng cường kiểm soát đối với các phương tiện khai thác, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, mục tiêu để phát huy hiệu quả kinh tế ven biển huyện cực Nam Tổ quốc.
Trước đó, Đoàn giám sát số 355 có buổi giám sát thực tế trên địa bàn thị trấn Rạch Gốc tại cảng cá Rạch Gốc thuộc khóm 6 và bến xếp dỡ hàng hóa thủy hải sản Hai Bình. Đồng thời, Đoàn còn có buổi làm việc với UBND thị trấn Rạch Gốc để nắm lại những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện Nghị quyết số 36 và Chương trình hành động số 40 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Với chiến lược phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững gắn với sinh kế, nâng cao đời sống người dân được thị trấn Rạch Gốc quan tâm; khuyến khích người dân liên kết sản xuất, hình thành những đội tàu đánh bắt xa bờ nhằm giảm chi phí nâng cao hiệu quả khai thác; tiếp tục chuyển đổi ngành nghề khai thác kém hiệu quả, chuyển sang các nghề khai thác mang lại giá trị kinh tế cao. Rạch Gốc có cửa biển lớn, với nhiều phương tiện hoạt động như: thu mua thủy hải sản, câu, lưới, đáy hàng khơi… Nhưng việc trao đổi hàng hóa, thu mua thủy hải sản vẫn còn hạn chế bởi thị trấn Rạch Gốc chưa thu hút được các Công ty, Doanh nghiệp đến đầu tư cơ sở để tạo chuỗi khép kính trên lĩnh vực kinh tế thủy sản. Một phần do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đúng mức. Các ngành nghề, khai thác vẫn còn phụ thuộc thương lái, giá cả xăng dầu liên tục tăng làm ảnh hưởng rất lớn cho các phương tiện đánh bắt xa bờ do chi phí đầu tư tăng cao. Trình độ đánh bắt ngư dân vẫn còn thấp, sản lượng thủy sản ngày càng sụt giảm.
Đoàn đã ghi nhận những thuận lợi, khó khó cùng những kiến nghị của UBND thị trấn Rạch Gốc song cũng lưu ý địa phương cần nỗ lực cao, đổi mới sáng tạo, tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao kinh tế biển nói chung và kết cấu hạ tầng biển và ven biển nói riêng. Rà soát chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực trong phát triển kinh tế biển để kiến nghị cấp trên tháo gỡ những vướng mắc./.