Sơ kết Dự án tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
Theo đó, Dự án được thực hiện tại tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, giai đoạn từ tháng 02/2022 tháng 08/2025 do Quỹ UBS Optimus Foundation UK thông qua tổ chức (WWF) tại Việt Nam tài trợ.
Dự án nhằm cải thiện sinh kế cho cộng đồng vùng ven biển; nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu. Qua gần 02 năm triển khai trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, đã trồng được 23ha rừng; thí điểm 67 ha nuôi tôm sú thích ứng biến đổi khí hậu (13 hộ dân). Kết quả năng suất tôm nuôi bình quân đạt 84 kg/ha/năm. Hoàn thiện quy trình sản xuất tôm-rừng; tập huấn về nuôi tôm hữu cơ áp dụng cho sản phẩm mô hình tôm rừng. Phối hợp với chuyên gia trường thủy sản của Đại Học Cần Thơ hướng dẫn người dân cách chọn, ương tôm giống, sử dụng vi sinh ổn định môi trường nhằm tăng thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi để nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông, Tam Giang Tây... nắm kỹ thuật. Tổng nguồn kinh phí thực hiện hơn 115.000 USD.
Toàn cảnh hội thảo
Tại buổi Hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, Ngọc Hiển là huyện có 3 mặt giáp biển, người dân sống chủ yếu dự vào nuôi trồng thủy sản và sản xuất dưới tán rừng ngập mặn. Những năm gần đây, nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt đã làm cho năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong huyện. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ chống biến đổi khí hậu, tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm con tôm, cây rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu.
Năm 2024, Đề án giành nguồn kinh phí hơn 298.000 USD để tiếp tục nghiên cứu khả thi về các giải pháp hạn chế xói lỡ bờ sông, khu vực ven biển huyện Ngọc Hiển, thí điểm mô hình tôm rừng; tăng cường việc quản lý nhằm nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; xây dựng được bản đồ các khu vực trồng và chăm sóc rừng ngập mặn. Áp dụng công cụ Karbon App để tính toán khả năng hấp thụ khí cácbon từ rừng và giảm phát thải khí nhà kính./.
Chí Hiểu