Chị Thu cho biết thêm: “Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, người dân phấn khởi lắm, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Không còn độc canh con tôm, phát huy thế mạnh của địa phương, người người, nhà nhà trồng đa cây, nuôi đa con, xen canh vọp, sò huyết, cua,… trên cùng diện tích để tăng thu nhập. Cái “máu thoát nghèo” đang chảy trong huyết quản mỗi người dân”.
“Nói có sách, mách có chứng”, chị Thu dẫn đường cho chúng tôi đến thăm mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm của Hợp tác xã nuôi tôm Đại Đoàn Kết.
Từ hộ nghèo, kinh tế chật vật, cuối năm 2022, gia đình anh Lâm Tấn Chung quyết tâm thoát nghèo bền vững, thu nhập ổn định với mô hình nuôi sò huyết. Trên diện tích hơn 500m2, anh thả nuôi sò giống loại 400 con/kg. Sau hơn 6 tháng, sò phát triển tốt, đạt trọng lượng 50 - 60 con/kg, anh Chung thu hoạch. Vụ đầu tiên, trừ chi phí, gia đình anh lời hơn 70 triệu đồng, kinh tế gia đình khởi sắc. Anh Chung phấn khởi: “Những năm gần đây, do dịch bệnh nên nuôi tôm, cua không còn được mùa như trước. Giá cả thì bấp bênh thêm sản lượng thu hoạch không có bao nhiêu nên kinh tế gia đình khó khăn. Thấy mấy anh em trong hợp tác xã nuôi sò có hiệu quả nên tôi cũng “liều”, vay vốn để làm. Mùa đầu tiên mần ăn khá, có kinh nghiệm, có vốn liếng nên tôi đang triển khai thả tiếp vụ hai”.
Giám đốc hợp tác xã nuôi tôm Đại Đoàn Kết, ông Phan Minh Ký cho hay: “Hiện, ngoài 15 thành viên của hợp tác xã, toàn ấp có 25 hộ cũng thực hiện với tổng diện tích hơn 110 ha. Từ khi nuôi sò, kinh tế bà con đổi thay đáng kể, không ít hộ thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giàu. Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, con giống và tìm kiếm thị trường đầu ra, để mô hình phát triển hiệu quả, bền vững, tạo sinh kế ổn định cho thành viên và người dân”.
Không chỉ lớp trẻ hăng say lao động mà những lão niên ở tuổi 70 như ông Cao Tấn Cửu, ấp Xẻo Lá cũng ra sức sản xuất để tăng thu nhập. Là những người thấm nhuần Nghị quyết của Đảng, ông Cửu luôn vận động con cháu học tập và chăm lo xây dựng kinh tế gia đình. Riêng ông, tận dụng đất trống quanh nhà, đất bờ bao vuông tôm, ông trồng gần 60 gốc dừa xiêm xanh, xiêm đỏ lùn. Bén rễ xanh tốt trên đất mặn, dừa cho trái nhiều, nước ngọt. Cứ cách khoảng 7 - 10 ngày là thu hoạch một đợt, có thương lái đến tận nơi thu mua, đủ chi phí để ông trang trải sinh hoạt, nuôi cháu con ăn học.
Tận dụng đất trống, đất bờ bao vuông tôm, ông Cao Tấn Cửu trồng dừa để tăng thu nhập
Ông Cửu chia sẻ: “Đảng bộ huyện ngày càng có những đổi mới, rất phù hợp với thực tế địa phương. Tôi không dám nghĩ rằng, một ngày quê hương mình khang trang như bây giờ. Lộ làng thông thương, mua bán thuận tiện, con em đến trường dễ dàng, đời sống, kinh tế người dân phát triển”.
Theo ông Cửu, không chỉ chăm lo làm ăn, nhiều gia đình trong ấp còn gáng làm nuôi con học hành tới nơi tới chốn. Nhiều cháu học thành tài, lấy tri thức về quê phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương.
Từ địa phương khó khăn, nửa nhiệm kỳ qua, Viên An Đông bứt phá mạnh mẽ. Trong 8 chỉ tiêu đề ra, có 4 chỉ tiêu Viên An Đông thực hiện đạt và vượt 100%, 3 chỉ tiêu đạt từ 61% kế hoạch trở lên. Ấn tượng nhất là chỉ trong hơn 2 năm qua, có gần 100 hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, trở thành địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất huyện, ở mức 3,66%; 100% ấp có đường giao thông về tới trung tâm xã; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 4/5 trường đạt chuẩn Quốc gia; đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới;…
Đồng chí Trần Minh Đẳng - Bí thư Đảng ủy xã Viên An Đông cho biết: “Cán bộ đảng viên gương mẫu đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Địa phương sẽ rút kinh nghiệm những tồn tại, khó khăn để thực hiện có hiệu quả các giải pháp hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu từ nay đến cuối nhiệm kỳ, mục tiêu cao nhất là đưa Viên An Đông về đích nông thôn mới đúng lộ trình”.
Nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ huyện Ngọc Hiển đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành. Những người đứng đầu của huyện đã thực hiện tốt Quy định số 18-QĐ/TU ngày 16/4/2019 về việc Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ và cấp ủy viên dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng kế hoạch công tác và nghiêm túc thực hiện.
Thông qua việc dự sinh hoạt chi bộ, đảng viên ở cơ sở được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo trong Ban Thường vụ Huyện ủy, thẳng thắn trình bày những vướng mắc, khó khăn, giúp các đồng chí lãnh đạo huyện nắm bắt được thông tin hai chiều để kịp thời giải quyết kịp thời chấn chỉnh. Các buổi sinh hoạt chi bộ ở các ấp, khóm trước đây có lúc “chiếu lệ, qua loa” thì nay đã có phương pháp điều hành khoa học, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ. Nhận thức của đảng viên về vị trí, vai trò của chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được nâng lên rõ rệt.
Đảng bộ huyện đổi mới, sáng tạo, người đứng đầu gần dân sát cơ sở. Mỗi đảng viên là một hạt nhân chính trị tận tụy trách nhiệm ở cơ sở, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng chí Trần Hoàng Lạc – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển thông tin: “Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nửa nhiệm kỳ qua, nhiều chỉ tiêu quan trọng gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đạt theo lộ trình. Đến nay, có 7/10 chỉ tiêu Nghị quyết thực hiện đạt từ 50% trở lên. Nổi bật là tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.947 tỷ đồng, đạt 130,98% chỉ tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,68%, hộ cận nghèo 4,09%. Khai thác và nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tổng sản lượng đạt hơn 179.000 tấn, tăng bình quân hằng năm 1,1%. Diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì 23.100 ha, sản lượng đạt 93.688 tấn. Sản xuất giống thủy sản ngày càng hiệu quả, lượng giống xuất bán lũy kế ước đạt 29,7 tỷ con, tăng bình quân 3,9%/năm, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu sản xuất của người dân địa phương và xuất bán cho thị trường ngoài tỉnh”.
Toàn huyện có 157 hợp tác xã và tổ hợp tác, tăng 39 hợp tác xã và tổ hợp tác so với đầu nhiệm kỳ, hằng năm chế biến 600 tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho thị trường. So với đầu nhiệm kỳ, Ngọc Hiển tăng 12 sản phẩm đạt 3 sao OCOP, hiện có 17 sản phẩm đạt 3 sao. Sau khi đạt chuẩn, các sản phẩm đã được chuẩn hóa, lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường tăng lên từ 20 - 30%, góp phần tăng thu nhập cho người dân và lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu địa phương đến đông đảo người tiêu dùng.
Du lịch huyện nhà được đầu tư bài bản hơn với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, níu giữ du khách. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nhất là các hoạt động, sự kiện kích cầu du lịch đã thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.
Nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế – xã hội có bước phát triển vượt bật, tuy nhiên ở từng lĩnh vực vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định. Nhận diện những khó khăn, hạn chế, Đảng bộ, chính quyền huyện Ngọc Hiển đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Phấn đấu trong thời gian tới, kinh tế, văn hóa, xã hội huyện nhà càng khởi sắc hơn, quyết tâm về đích 2025 thắng lợi toàn diện về mọi mặt, xây dựng huyện cực Nam khang trang./.