Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển, Nguyễn Hồng Vệ cho biết, năm 2024 kinh tế Ngọc Hiển đan xen các thuận lợi và cũng đầy những khó khăn, thác thức... Nhưng với sự hỗ trợ từ cấp trên, sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nhất trí trong Nhân dân, tạo được nhiều khởi sắc cho huyện Ngọc Hiển phát triển, vươn lên. Năm 2024, có 12/12 chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy đề ra đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch.
Trong năm qua, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản 74 ngàn tấn, đạt 100,1% chỉ tiêu Nghị quyết; Lượng giống thủy sản xuất trại trên 12 tỷ post, ước đạt 100,2% kế hoạch, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Mô hình nuôi chồn hương đang tạo được nguồn thu lớn trong người dân, trên địa bàn huyện có 787 cơ sở và hộ đăng ký nuôi chồn Hương với với tổng đàn 17.060 con, xuất ra thị trường 15.940 con, doanh thu trên 60 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực sản xuất, huyện luôn quan tâm, phát triển các mô hình hiệu quả, như: Nuôi tôm, cua sinh thái, kết hợp với các đối tượng nuôi khác như: sò huyết, vọp, cá nâu... giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện kinh tế đáng kể.
Lĩnh vực đánh bắt thủy sản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho người dân thực hiện tốt Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hiển về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt.
Diện mạo nông thôn mới huyện từng bước khởi sắc. Ảnh chụp, đường về xã Viên An Đông
Du lịch có bước tăng trưởng, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên, ước có 900.000 lượt khách đến nghiên cứu, tham quan du lịch trên địa bàn huyện, doanh thu khoảng 990 tỷ đồng. Du lịch năm nay có lượng khách đến tham quan, trải nghiệm và doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay. Cho thấy, điểm nhấn du lịch của Đất Mũi ngày càng quan trọng, tạo được thế mạnh của vùng đất cực Nam ngày càng thu hút khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm cảnh vật thiên nhiên của rừng, của biển; tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất phù sa lấn biển; thưởng thức các món ăn ngon mang đậm hương vị của vùng đất cực Nam, với nhiều đặc sản nổi tiếng địa phương như: cua hấp, cua luộc, cua rang me, sò huyết rang me, cá thòi lòi nướng muối ớt...
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2024 gọi tắt là OCOP, trong năm có 12 sản phẩm với 03 chủ thể đăng ký tham gia. Huyện đã tổ chức đánh giá đợt 1 công nhận 02 sản phẩm đạt OCOP 03 sao và 03 sản phẩm đủ tiêu chuẩn đề xuất tỉnh đánh giá đạt 4 sao, ước đến cuối năm toàn huyện có 25 sản phẩm 3 sao và 04 sản phẩm 4 sao. Thu ngân sách ước đến cuối năm được 32 tỷ đồng, đạt 110,3% chỉ tiêu Nghị quyết.
Thực hiện Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Năm qua huyện xây dựng được 50 km lộ bê tông; lộ đất đen thực hiện được 170 km, đạt 213% kế hoạch. Huyện đã phối hợp cùng các tập đoàn, công ty, ngân hàng để tiếp nhận các khoản hỗ trợ đến nay tiếp nhận gần 106 tỷ đồng và phối hợp triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án, để xây dựng gần 1.000 căn nhà ở hộ nghèo; 25 cây cầu cầu giao thông; kéo và lắp điện cho 17 tuyến điện chưa có điện lưới quốc gia; 13 trạm phát sóng mạng viễn thông 3G, 4G và 78km cáp quang do Tập đoàn VNPT tài trợ... Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai 04 dự án điện gió, đến nay triển khai cơ bản hoàn thành 02 dự án với công suất 150MW, vốn đầu tư 6.363 tỷ đồng, vận hành thương mại 95/150MW.
Công tác xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay xã nông thôn mới có 02 xã đạt chuẩn, 01 xã đang đề nghị tỉnh công nhận nông thôn mới là xã Viên An Đông, đến cuối năm sẽ có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết.
Lĩnh vực giáo dục được quan tâm, toàn huyện có 29 trường học (trong đó có 02 trường THPT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý). Cơ sở vật chất, trường, lớp được đầu tư theo hướng đạt chuẩn, đến nay có 24/29 trường học đạt chuẩn quốc gia, đến cuối năm công nhận lại 02 trường mức độ 1 và công nhận mới 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, đầu năm có 549 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,01%) và 447 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 2,45%), đến nay qua rà soát toàn huyện còn 168 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,92%, vượt 0,27 chỉ tiêu Nghị quyết; hộ cận nghèo còn 280 hộ, chiếm tỷ lệ 1,54%, vượt 0,03 chỉ tiêu Nghị quyết. Dạy nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm cho lao động vượt chỉ tiêu đề ra.
Vấn đề khó khăn về thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hiển về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt. Qua điều tra có 1.667 hộ dân bị ảnh hưởng với 6.600 nhân khẩu các hộ dân bị ảnh hưởng chủ yếu hoạt động các nghề: Đáy sông, đáy bè, đáy biển và các phương tiện khai thác thủy sản nằm trong diện bị cấm. Trong đó, có 249 hộ có đất sản xuất, 139 hộ có ngành nghề khác, 1.418 hộ không có đất sản xuất, không có ngành nghề khác. Bởi địa phương vẫn chưa thu hút được các Công ty, Xí nghiệp chế biến các mặt hàng thủy hải sản, nên không thể tạo công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động cùng lúc.
Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển, Nguyễn Hồng Vệ cho rằng, năm 2025 là năm rất quan trọng, phải dồn lực cho công tác Đại hộ Đảng các cấp, Ngọc Hiển quyết tâm về đích huyện nông thôn mới. Ngay từ hôm nay, huyện dồn lực đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho từng tháng, từng quí của năm sau để thực hiện, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ với nỗ lực cao nhất để hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.
Dù khó khăn đến đâu nhưng với sự đoàn kết, nhất trí và nỗ lực cao sẽ là sức mạnh quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ngọc Hiển vượt qua, biến thách thức để tạo được thời cơ và động lực mới để đưa huyện Ngọc Hiển từng bước vươn lên, góp phần nâng cao đời sống người dân, giúp huyện Ngọc Hiển phát triển nhanh, bền vững./.