TRẠM KHUYẾN NÔNG NGỌC HIỂN: NỖ LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ THUỶ SẢN
Ngọc Hiển có diện tích nuôi trồng thuỷ sản chiếm trên 32% diện tích tự nhiên. Đây là một trong những điều kiện để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản. Bám sát tình hình thực tế của địa phương, đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến cơ sở luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của huyện. Trước hết, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hoạt động khuyến nông, Trạm đã kiện toàn bộ máy hoạt động từ huyện đến xã. Hiện nay, Trạm có 03 cán bộ phụ trách ở huyện và tăng cường về các xã, thị trấn 07 cán bộ. Đội ngũ cán bộ khuyến nông có trình độ từ đại học trở lên và thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ông Mai Văn Đoan, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ngọc Hiển cho biết: “Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ luôn được Trạm quan tâm, chú trọng. Trạm thường xuyên đăng ký cho cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Cà Mau tổ chức để đổi mới tư duy và làm giàu vốn kiến thức, góp phần phục vụ có hiệu quả trong công việc”.
Hội thảo mô hình nuôi trồng thủy sản
Những kiến thức, nghiệp vụ bồi dưỡng từ các lớp học, đội ngũ cán bộ Trạm chọn lọc và tiến hành truyền đạt lại cho nông dân bằng nhiều hình thức đa dạng như: Mở lớp tập huấn, tổ chức hội thảo, xây dựng lớp học hiện trường kết hợp với trao đổi, tư vấn trực tiếp... Được biết, từ đầu năm đến nay, Trạm đã mở 20 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, trong đó: 01 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình; phối hợp với Phòng Khuyến ngư tổ chức 13 lớp tập huấn về kỹ thuật chọn giống và thả giống; xây dựng 03 lớp học hiện trường và mở nhiều cuộc tư vấn – toạ đàm trực tiếp cho nông dân về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, tổng cộng thu hút hơn 1.300 người tham dự.
Không chỉ đa dạng về hình thức tổ chức mà trong các buổi tập huấn, tiếp xúc với nông dân, đội ngũ cán bộ Khuyến nông luôn nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy để vừa tăng thêm sự sinh động cho buổi học, thu hút người nghe. Các kiến thức cơ bản từ khâu chọn giống, thời điểm thả giống, cách chăm sóc và quản lý, phòng và trị bệnh cho đến khâu thu hoạch được truyền đạt đầy đủ, giúp cho người dân tiếp thu và áp dụng hiệu quả. Song song với các lớp tập huấn, để tạo niềm tin, tăng sức thuyết phục đối với bà con nông dân. Thời gian qua, Trạm đã phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện thành công nhiều mô hình khảo nghiệm như: Mô hình nuôi tôm quảng canh cái tiến, nuôi cua thương phẩm, mô hình nuôi tôm, cua kết hợp hay nuôi sò huyết trong vuông tôm... Những mô hình trên đều có chung đặc điểm là dễ thực hiện, ít tốn chi phí, mang lại thu nhập kinh tế cao và đang được nhân rộng. Điển hình như mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến của hộ ông Huỳnh Văn Lập, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân; trên 08ha thả giống, mỗi năm ông thu nhập gần 200 triệu đồng. Ông Lập phấn khởi nói: “Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản và sự hướng dẫn nhiệt tình của đội ngũ cán bộ Trạm, tôi mạnh dạn làm theo, không ngờ lại đạt hiệu quả như vậy. Giờ đây kinh tế gia đình tôi ổn định hơn, có điều kiện để nuôi con ăn học”. Hay mô hình nuôi cua thương phẩm của hộ ông Trương Văn Ly, ấp Kinh Ranh, xã Viên An Đông; với khoảng 10.000 con giống thả trên diện tích 0.5ha, trừ tất cả chi phí, mỗi vụ ông thu nhập hơn 60 triệu đồng. Gửi gắm tâm tư của người nông dân Ngọc Hiển, ông Trương Văn Ly, ấp Kinh Ranh, xã Viên An Đông nói: “Tôi mong rằng Trạm Khuyến nông của huyện sẽ phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình, mở nhiều lớp tập huấn, xây dựng nhiều mô hình hay để giúp đỡ cho bà con mình phát triển kinh tế.
Từ Trạm Khuyến nông, nhiều mô hình hay, cách làm giỏi được lan toả và nhân rộng trong dân. Những phương pháp sản xuất truyền thống, kém hiệu quả đã được chuyển đổi và thay thế bằng phương pháp sản xuất mới, có sự chuyển giao của công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Có thể nói, những đóng góp của Trạm Khuyến nông trong thời gian qua không những góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nuôi trồng thuỷ sản mà còn tạo điều kiện chuyển đổi tư duy trong sản xuất của người nông dân vùng ven biển. Ông Mai Văn Đoan chia sẻ: Huyện Ngọc Hiển có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế thuỷ sản. Tuy nhiên, làm sao để khai thác tối đa và hiệu quả nguồn lợi này còn là một bài toán tương đối khó. Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Trạm Khuyến nông sẽ nỗ lực hơn nữa, tập trung khai thác có trọng tâm, trọng điểm để phát huy nội lực vốn có của huyện nhà./.