Từ tháng 10 âm lịch là thời điểm bước vào vụ sản xuất cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ba khía muối của Công ty TNHH MTV Thủy sản Châu Sang tăng mạnh. Theo chị Nguyễn Hồng Đạm, Phó Giám đốc công ty, ba khía muối Rạch Gốc là đặc sản nổi tiếng, trứ danh của vùng đất Cà Mau. Từ khi nghề muối ba khía được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhất là khi sản phẩm ba khía muối của cơ sở được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao thì thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, đơn hàng liên tục tăng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị phải mở rộng quy mô sản xuất và thuê thêm lao động.
Chị Đạm cho biết, nếu như ngày thường, công ty chỉ cần 5 lao động làm việc thì thời điểm này số lượng lao động phải tăng thêm gấp đôi mới đáp ứng khối lượng công việc. Đa số những lao động tại công ty là người địa phương, tùy theo công việc, mức lương được trả hàng tháng từ 7 – 9 triệu đồng/người.
Anh Nguyễn Chí Tài, ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân đã gắn bó với công ty của chị Đạm gần 01 năm nay. Trong một lần lướt mạng xã hội, anh Tài thấy thông tin tìm kiếm lao động của công ty nên đã chủ động liên hệ xin vào làm. Nhờ chịu khó, siêng năng, giỏi việc, anh Tài được trả lương 9 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này giúp Tài trang trải chi tiêu và phụ lo cho gia đình.
Anh Tài chia sẻ, ngoài lương hàng tháng, vào các dịp lễ, Tết, công ty còn thưởng thêm, tạo động lực cho anh em làm việc. So với việc đi làm trong các công ty ở thành phố lớn thì làm ở tại quê nhà ít áp lực hơn, công việc cũng khá dễ và nhẹ nhàng, lại được ở gần gia đình nên bản thân mong muốn gắn bó dài lâu, có nguồn thu nhập ổn định.
Cơ sở mắm cá sơn Ngọc Chuyển giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ
Còn tại cơ sở mắm cá sơn Ngọc Chuyển ở ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, mỗi ngày thu hút khoảng 10 chị em tham gia vào các công đoạn làm mắm. Sản phẩm mắm cá sơn của cơ sở chị Chuyển đã đạt OCOP 3 sao, có thương hiệu, uy tín trên thị trường nên được tiêu thụ mạnh hơn trước.
Chị Chuyển cho biết, không chỉ riêng mặt hàng cá sơn mà cơ sở chị còn chế biến thêm các sản phẩm mắm cá lộn xộn, bánh phồng tôm, bánh phồng rau củ các loại, tôm khô, mắm tôm,... Hầu hết các sản phẩm đều được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng, sản lượng bán ra ổn định. Do đó, cơ sở có nhu cầu cao về số lượng lao động, việc làm thì ổn định, thường xuyên, liên tục chứ không phải thời vụ như một số nơi khác. Lao động ở cơ sở chủ yếu là những chị em tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Liên, ấp Ông Quyền, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển chia sẻ: Nhờ có có cơ sở Ngọc Chuyển, chị em chúng tôi có công việc, thu nhập ổn định, không phải ly hương đi làm ăn xa. Hầu hết chị em ở đây đều gắn bó lâu năm, nên yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau từ trong công việc đến cuộc sống. Công lao động được tính theo sản phẩm. Mỗi ngày cũng từ 200 – 300 ngàn đồng, giúp trang trải chi tiêu hằng ngày và lo cho con ăn học.
Đến thời điểm này, huyện Ngọc Hiển có 22 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn sao OCOP với 9 chủ thể tham gia. hầu hết các cơ sở đều có nhu cầu về lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng lao động địa phương tham gia vào sản xuất sản phẩm OCOP liên tục tăng. Nếu trước đây, người dân ở địa phương có nhiều thời gian nông nhàn, thì giờ đây đã có thêm việc làm, thu nhập nhờ tham gia vào sản xuất sản phẩm OCOP, với thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, huyện Ngọc Hiển vẫn còn nhiều sản phẩm đặc sản, tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP. Theo định hướng của địa phương sẽ luôn tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể tham gia vào “sân chơi” này để nâng cấp sản phẩm địa phương, góp phần quảng bá nền ẩm thực huyện nhà và tạo việc làm, thu nhập cho người dân./.