Thoát nghèo nhờ chăn nuôi
Chúng tôi đến ấp Tắc Gốc, xã Viên An để thăm gia đình ông Phan Phước Sanh - một trong những hộ chăn nuôi heo khá thành công trên địa bàn. Ông Sanh cho biết, trước đây do không có nghề nghiệp ổn định, ít đất sản xuất lại đông con nên kinh tế gia đình ông khá khó khăn.
Mô hình nuôi dê nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững
Quyết tâm vươn lên hoàn cảnh, ông Sanh, mạnh dạn dùng số tiền dành dụm được đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi heo. Ban đầu ông thả nuôi 04 con, vừa heo giống lẫn heo thịt. Sau khi đàn heo nhà sinh sản, ông lại tiếp tục gây đàn nuôi heo lấy thịt. Để giảm bớt chi phí, vợ chồng ông đi xin cặn thức ăn ở quanh xóm; đồng thời kết hợp đặt rượu để lấy hèm nuôi heo. Trong quá trình nuôi, ông Sanh, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để chăm sóc đàn heo nhà mình đạt hiệu quả cao nhất.
Hiện tại, đàn heo nhà ông được hơn 20 con. Mỗi đợt xuất bán, ông thu về gần 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn bán heo giống để tăng thêm thu nhập. Nhờ nuôi heo thành công, gia đình ông Sanh, đã có cuộc sống kinh tế khá thoải mái, không còn chật vật như trước nữa. “Đợt vừa rồi, trong khi nhiều hộ khác người ta lỗ vốn do heo nhiễm dịch tả heo Châu Phi thì đàn heo của gia đình tôi may mắn vẫn phát triển khỏe mạnh. Mấy ngày nữa là tôi cho xuất chuồng 04 con heo, mỗi con cũng trên dưới trăm ký. Hiện giá heo hơi tăng lên cao, nhà tôi mừng lắm” – Ông Sanh phấn khởi nói.
Không chỉ gia đình ông Sanh mà nhờ giỏi chăn nuôi nên gia đình ông Phan Trung Hòa, ở ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi cũng vươn lên khá giả. Tận dụng điều kiện khí hậu và cây cỏ địa phương, ông Hòa đã phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Với 3 con dê giống từ Dự án hỗ trợ thoát nghèo, sau 04 năm chăn nuôi, gia đình ông Hòa đã khéo chăm sóc phát triển đàn dê lên hơn 60 con.
Cùng với việc tận dụng thức ăn sẵn có tại địa phương, ông Hòa còn trồng thêm các loại cỏ và cây so đũa cho dê ăn. Nhờ vậy, đàn dê nhà ông mới nhanh phát triển. Ông Hòa cho hay: “Con dê rất dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc lại không đòi hỏi kỹ thuật nhiều nên rất thích hợp cho nông dân như chúng tôi nuôi. Với giá dê hiện tại, mỗi đợt xuất bán trừ chi phí con giống, gia đình tôi thu lời hơn 25 triệu đồng. Nhờ nuôi dê mà mấy năm nay tôi mới có điều kiện lo cho con cái ăn học tới nơi tới chốn”.
Toàn huyện Ngọc Hiển hiện có hơn 1.800 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ nguồn vốn, con giống, kỹ thuật, kiến thức,…để giúp nông dân chăn nuôi hiệu quả, tăng thu nhập. Bên cạnh sự giúp đỡ của ngành chức năng và chính quyền địa phương thì nhiều hộ đã tự ý thức vươn lên, tích cực đầu tư, học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình chăn nuôi của gia đình mình. Và cũng từ việc giỏi chăn nuôi mà không ít hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội./.
Trúc Linh