Gia đình đông con, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, vợ chồng bà Lệ phải làm mướn đủ nghề để trang trải cuộc sống. Thế nhưng số tiền kiếm được cũng không đủ lo cho 14 miệng ăn trong nhà nên cái nghèo cứ mãi đeo bám. 4 năm trước, gia đình bà Lệ được tổ Tiết kiệm và vay vốn khóm 6 và chính quyền địa phương địa phương tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng từ nguồn hộ nghèo để mua ghe, ngư lưới cụ làm nghề lưới cá khoai. Những năm gần đây, nhờ khai thác cá khoai trúng mùa, được giá đã đem lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định, kinh tế khởi sắc hơn, bà Lệ tự nguyện xin viết đơn thoát nghèo.
Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trao cơ hội để hộ dân thoát nghèo bền vững
Chỉ tay về phía chiếc ghe còn mới màu sơn với đầy ắp lưới, lú trong khoang, bà Lệ bộc bạch: “Mùa này là mùa khai thác chính trong năm. Trung bình mỗi ngày thu nhập từ 500.000 – 600.000 đồng, có khi trúng thì được 2 – 3 triệu đồng. Vì vậy tranh thủ nhận được vốn là vợ chồng tôi kéo ghe lên tu sửa lại, mua lưới thêm để làm ăn. Giờ thì ghe cộ êm rồi, mong sao trúng mùa để chúng tôi sớm trả xong nợ cho ngân hàng”.
Bà Phan Ngọc Nga, Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn khóm 6 cho biết: “Không riêng gia đình chị Lệ mà hầu hết các thành viên trong tổ chúng tôi đều làm ăn có hiệu quả sau khi nhận được vốn vay. Nguồn vốn giải ngân được người dân sử dụng đúng mục đích, không chỉ giúp hộ vay vốn thoát nghèo bền vững, gây dựng nên những mô hình làm ăn hiệu quả mà còn góp phần giài quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Điển hình như hộ chị Ngô Cẩm Tú”.
Nhìn nhà cửa kiên cố, đầy đủ tiện nghi, ít ai nghĩ rằng gia đình chị Tú từng là hộ nghèo, kinh tế chật vật, khó khăn. Do thiếu vốn sắm sửa phương tiện khai thác nên chồng và 2 người con trai của chị phải làm thuê cho các chủ ghe đóng đáy trên địa bàn để kiếm sống. Không đầu hàng trước khó khăn, chị Tú đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm, chị đã đầu tư mua phương tiện và ngư lưới cụ để làm nghề cào và lưới ghẹ. Sau gần 3 năm bám biển, kinh tế gia đình chị phát triển, có nguồn thu nhập ổn định. Mong muốn thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giàu, đầu năm nay, chị vay thêm 40 triệu đồng để tu bổ, nâng cấp ghe và mua thêm ngư lưới cụ. Từ khi nâng cấp phương tiện, chị Tú thuê thêm 3 lao động để cùng gia đình vươn khơi khai thác. Nhờ đó, mấy tháng nay, thu nhập gia đình chị tăng lên đáng kể, trung bình mỗi tháng từ 70 – 80 triệu đồng.
Chị Tú chia sẻ: “Có nguồn vốn này gia đình tôi như gặp được phao cứu sinh. Bởi nếu vay vốn ở ngoài thì mức lãi suất cao hơn gấp nhiều lần so với mức lãi suất của Ngân hàng chính sách, chúng tôi không có khả năng trả nổi. Từ lúc vay đến nay, tháng nào cũng vậy, tùy theo nguồn thu nhập của gia đình mà chúng tôi trích ra gởi tiết kiệm để trả dần và đóng lãi đầy đủ cho ngân hàng, cố gắng ít nhất là 1 triệu đồng/tháng”.
Tính đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển đã cho vay hơn 189 tỷ đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn từ chương trình đã giúp cho hàng ngàn hộ gia đình có nguồn lực để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hiển Đàm Văn Trọng cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Phương châm hoạt động của ngân hàng là không để người nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay không được tiếp cận vốn. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn. Hiện toàn huyện có 11.430 hộ vay vốn, chiếm 62% tổng số hộ dân trên địa bàn”./.