Những ngày qua, anh Lâm Quốc Sự, khóm 1, thị trấn Rạch Gốc tất bật liên hệ, đi khắp các cây xăng dầu trên địa bàn với hy vọng có thể mua đủ dầu cho phương tiện của mình vươn khơi. Theo anh Sự, từ ngày bám chân với nghề biển đến nay, chưa bao giờ việc mua đủ dầu để tàu cá được vươn khơi lại khó như bây giờ.
Anh Sự ngậm ngùi: “Nhà có 3 chiếc ghe, trong đó có 2 chiếc để đi thu mua các loại tôm, cá, mực,... còn 1 chiếc thì làm lưới cá chim. Mỗi chuyến đi cần khoảng 2.000 lít dầu/chiếc. Nhưng gần 2 tuần nay ghe phải neo đậu nằm bờ do không có đủ dầu chạy, thất thoát thu nhập cũng không ít”.
Còn ngư dân Lý Văn Quang, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân đã đầu tư hàng chục triệu đồng để tu sửa tàu ghe, mua sắm thêm ngư lưới cụ, chuẩn bị sẵn sàng cho vụ mùa khai thác chính trong năm nhưng hơn một tuần nay ông buộc lòng phải neo đậu lại bờ, không thể xuất bến ra khơi do không mua được dầu. Ông Quang cho hay, phương tiện của ông khai thác gần bờ, mỗi ngày chỉ tốn khoảng ba mươi, bốn mươi lít dầu nhưng vẫn mua vẫn không đủ chạy huống chi những chiếc ghe lớn hơn. Tôm cá vào mùa mà ghe không có dầu chạy đành nằm lại bờ mà sốt ruột.
Không thể vươn khơi, các chủ ghe không chỉ gặp khó khăn, ảnh hưởng về kinh tế mà còn đối mặt với nỗi lo nhiều bạn ghe bỏ chủ đi tìm công việc khác. Khi không có việc làm, ngư phủ bỏ việc thì những chuyến biển sau, việc kiếm lao động lại càng khó khăn hơn.
Nhiều phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản phải nằm bờ do thiếu nguồn nhiên liệu dầu
Gắn bó với nghề biển hơn chục năm nay nhưng trước tình trạng chủ ghe không thể vươn khơi, nguy cơ “thất nghiệp”, ngư phủ Nguyễn Văn Cường, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân lắc đầu ngán ngẩm: “Không có nghề ổn định, không có đất canh tác cũng không có phương tiện ra khơi nên phải theo ghe đi bạn để kiếm sống. Thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào mỗi chuyến biển. Gần 2 tuần nay thiếu dầu, chủ ghe neo đậu lại bờ, không biết tình trạng này kéo dài bao lâu nên tôi phải đi tìm công việc khác để lo cho vợ con chứ không thể nằm chờ hoài được”.
Tìm hiểu tại một số cây xăng dầu trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, việc khan hiếm dầu cung cấp cho ngư dân trong thời gian qua xuất phát từ phía các công ty cung ứng. Do việc phân phối hạn chế, nhỏ giọt, có ngày chỉ nhận được khoảng 10.000 lít/cây dầu, số lượng này chỉ đủ đáp ứng cho khoảng 3 - 5 tàu cá đánh bắt xa bờ, nên không thể đủ để cung ứng cho số lượng lớn nhu cầu của bà con ngư dân trong mùa cao điểm đánh bắt hiện nay.
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển thông tin: “Trước tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ, địa phương đã thành lập đoàn đi kiểm tra tại các điểm kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào đầu cơ găm hàng. Huyện đã chỉ đạo và hỗ trợ các công ty, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tăng cường kết nối, liên hệ với các công ty cung ứng, tạo điều kiện để phục vụ, đáp ứng nhiên liệu cho ngư dân yên tâm vươn khơi”.
Với 3 mặt tiếp giáp biển, từ lâu, nghề khai thác, đánh bắt thủy sản đã trở thành nghề truyền thống và ngành hàng chủ lực, tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương. Tàu khai thác nằm bờ nhiều sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề khác trên bờ như buôn bán thủy sản, làm cá khô, dịch vụ hậu cần nghề biển... cũng ế ẩm theo. Ðiều này tác động mạnh mẽ tới tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân vùng ven biển. Mong muốn lớn nhất của ngư dân lúc này là giá cả xăng dầu ổn định, hợp lý, tình trạng khan hiếm nhiên liệu không còn và nhà nước có chính sách hỗ trợ để họ tiếp tục bám biển vươn khơi./.