Dọc theo con lộ nhỏ ven tuyến sông Rạch Gốc, những giàn phơi bằng tre, lưới được dựng lên. Vỉ này tiếp nối vỉ kia, cá tươi vừa xẻ ướp được xếp lên ngay ngắn, đẹp mắt chờ đón nắng.
Theo các vị cao niên, nghề làm cá khô ở Rạch Gốc có từ rất xưa, gắn liền với nghề khai thác biển, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Ban đầu, người dân làm khô vì lượng cá tươi đánh bắt quá nhiều, ăn không hết nên chế biến, dự trữ để ăn dần. Rồi theo thời gian, những cư dân ở đây đi làm ăn lập nghiệp nơi xa, mang món cá khô của quê nhà theo để ăn và được nhiều người ở xứ khác khen ngon, nhờ đặt mua giùm. Dần dần, món cá khô ở xứ biển này được nhiều người biết đến, góp mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ông Lâm Sỹ Em, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn Rạch Gốc cho biết: “Thị trấn Rạch Gốc có đội tàu cá gồm hàng trăm phương tiện lớn, nhỏ bám biển, ngoài ra còn có tàu cá của các tỉnh khác cập cảng cá Rạch Gốc. Sản lượng đánh bắt ước khoảng 10 – 15 ngàn tấn các loại/năm, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào để bà con làm cá khô. Hiện, khóm 4, khóm 7, khóm 8 là địa bàn tập trung nhiều hộ gia đình, cơ sở chế biến cá khô theo phương pháp thủ công truyền thống, quy mô vừa và nhỏ, cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn khô mỗi năm”.
Cá được xếp lên giàn, phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời
Tại hộ chị Đặng Bích Soàn, khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, toàn bộ khoảng sân trước nhà được tận dụng phơi khô. Chị Soàn cho biết, gia đình đã bén duyên với nghề hơn chục năm qua. Do nhà có ghe đáy hàng khơi, tận dụng nguồn cá tươi từ ghe đóng đáy đem về chị đã tập tành làm khô để kiếm thêm thu nhập. Bằng nguồn nguyên liệu cá tươi cộng với bí quyết chế biến riêng giúp sản phẩm nhà chị chinh phục thực khách gần xa.
Chị Soàn chia sẻ: “Khách hàng ưa chuộng cá khô ở Rạch Gốc có lẽ bởi giữ được độ tươi ngon của cá và được chế biến hoàn toàn bằng thủ công. Để đảm bảo độ tươi của con khô khi thành phẩm, tùy theo con nước, ghe đem cá về lúc nào thì mình tập trung chị em làm lúc đó, không kể ngày đêm. Mấy năm nay, đầu ra sản phẩm của cơ sở đã ổn định so với trước, đơn hàng tăng dần và nhiều lúc sản phẩm làm ra không đủ bán, nhất là dịp lễ, Tết. Trung bình mỗi tháng, cơ sở tôi cung cấp gần 1 tấn khô các loại, nhiều nhất là khô cá hố, cá lưỡi trâu, cá lù đù, cá mối,… thị trường chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, An Giang. Tùy theo loại cá, giá dao động từ 80.000 – 250.000 đồng/kg”.
Còn cơ sở cá khô Thái Ngoan của anh Trần Hồng Thái, khóm 8, thị trấn Rạch Gốc vừa mới mở rộng thêm khu vực sơ chế và phơi cá để tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện, cơ sở anh Thái đa dạng các loại cá khô: loại cá nguyên con, loại cá xẻ, loại xẻ kết bông. Mỗi con nước biển, cơ sở anh có khoảng 7 - 10 nhân công, chủ yếu là nữ tham gia các khâu sơ chế cá, làm sạch, xẻ cá, xếp cá lên giàn, phơi nắng. Tùy theo công việc mà công lao động tính theo giờ hoặc theo sản phẩm. Bình quân mỗi người thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Anh Thái nhận định, để có chỗ đứng trên thị trường thì điều kiện tiên quyết là sản phẩm mình làm ra phải chất lượng, sạch và ngon. Cơ sở anh đã đầu tư thêm tủ đông để bảo quản cá khô, máy hút chân không và chú trọng đầu tư về bao bì, nhãn mác với kỳ vọng xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm truyền thống của gia đình.
Ông Lâm Sỹ Em đánh giá, nghề làm cá khô truyền thống vừa làm tăng giá trị hàng hóa, vừa tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên đến nay, hộ làm nghề vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, cũng chưa có chủ thể nào đăng ký xây dựng sản phẩm cá khô đạt chuẩn OCOP.
“Hướng tới, thị trấn sẽ kiến nghị cấp trên đầu tư ứng dụng công nghệ, trang bị một số máy móc thiết bị vào một số khâu như: chế biến, bảo quản và đóng gói,... để đảo bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Song song đó, tạo điều kiện cho hộ làm nghề được vay vốn ưu đãi, tiếp cận công nghệ, thiết bị chế biến hiện đại cũng như được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân, phát triển bền vững nghề truyền thống” - ông Lâm Sỹ Em thông tin./.