Được hỗ trợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình anh Huỳnh Hùng Cường, ở khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc đã bắt tay vào đầu tư chuồng trại, con giống để chăn nuôi chồn hương. Tuy là lần đầu gia đình anh thực hiện mô hình nhưng nhờ tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ những người khác và tích lũy vốn kiến thức từ sách, báo, tivi, internet,… mà chồn hương nhà anh phát triển tốt, lớn nhanh. Từ 1 cặp chồn giống ban đầu, anh nhân đàn đến nay đã được 16 con, vừa bán chồn thịt, vừa bán chồn giống đã giúp anh có nguồn thu nhập ổn định.
Được vay vốn, gia đình anh Cường bắt tay thực hiện mô hình nuôi chồn hương
Để giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận trong quá trình nuôi, anh Cường đã đào ao nuôi cá trê, cá phi và trồng thêm chuối để làm thức ăn cho chồn. Theo anh Cường, nuôi chồn hương có chi phi đầu tư cao nhưng bù lại chồn dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, phù hợp với những hộ ít đất sản xuất và có giá trị kinh tế hơn những đối tượng nuôi khác. Chồn hương sau 10 đến 15 tháng nuôi bắt đầu sinh sản. Chồn mẹ mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 4 con. Sau 60 ngày tuổi, chồn con được tách đàn và nuôi dưỡng bằng thức ăn đến khi cứng cáp thì xuất bán. Hiện chồn giống được bán với giá từ 7 - 9 triệu đồng/cặp, chồn thịt được mua với giá từ 1,5 – 2 triệu đồng/kg.
Anh Cường chia sẻ: “Do không có trình độ, thiếu đất sản xuất nên vợ chồng tôi đi làm thuê kiếm sống. Được địa phương xét cho vay vốn, vợ chồng tôi rất mừng và quyết tâm làm ăn để thoát khỏi cảnh khó, trả nợ ngân hàng, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn”.
Không riêng gia đình a Cường mà tính từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển đã giải ngân cho 607 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với số tiền 19,7 tỷ đồng. Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả, nên nhiều hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách khác có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cấp trên bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; đồng thời, tập trung đầu tư vốn vào các mô hình đặc thù của địa phương như nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chăn nuôi, trồng màu, sản xuất sản phẩm đặc sản, truyền thống, OCOP…; nâng cao hiệu quả hoạt động của Điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, thị trấn để phục vụ nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội đến người dân biết và thực hiện, để hoạt động tín dụng chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” – ông Đàm Văn Trọng, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển thông tin./.