Chị Thảo đã mạnh dạn, không ngừng tìm tòi học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi mới để phát triển kinh tế cho gia đình. Chị Thảo đã tận dụng đất trống để thực hiện các mô hình nuôi ếch, nuôi cá lóc, cá trê bởi các loại này dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và chi phí sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình. Hằng tháng từ các mô hình chị Thảo cũng thu nhập được 6 triệu đồng giúp trang trải cuộc sống.
“Mô hình nuôi ếch, cá nước ngọt rất dễ thực hiện, thức ăn chủ yếu là các loại tôm nhỏ, cá tạp không tốn nhiều chi phí, cho ăn đều đặn sáng, chiều giúp cá, ếch mau lớn, nhanh thu hoạch với các loại này có thể nuôi kết hợp trong cùng 01 ao nên hiệu quả mang lại khá cao, phù hợp với sức lao động của chị em phụ nữ. Đối với ếch hay cá nước ngọt tại địa phương cũng ít người nuôi nên đầu ra, giá cả cũng ổn định. Chị Phạm Loan Thảo, ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển chia sẽ”.
Mô hình nuôi rắn ri cá mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình chị Thảo
Nắm bắt nhu cầu của thị trường chị Thảo cùng xây dựng các bể xi măng để thực hiện mô hình nuôi cua đinh, nuôi rắn ri cá và rắn ri voi có giá trị kinh tế cao. Đối với mô hình nuôi cua đinh không tốn công chăm sóc, thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp, cua đinh nuôi khoảng 12 đến 14 tháng đạt trọng lượng 1kg đến 1,2kg có thể bán thương phẩm với giá 500.000 đến 700.000 đồng/kg mang lại lợi nhuận cao. Riêng mỗi bể rắn ri cá, rắn ri voi chị Thảo thả nuôi 300 con, trên 01 năm rắn cho sinh sản và bán thương phẩm với giá khoảng 400.000 đến 600.000 đồng/kg và khá hút hàng bởi thịt rắn ngon, nhiều dinh dưỡng. Hiện nay cua đinh, rắn ri cá, rắn ri voi đều bán được giá cao và đầu ra ổn định. Từ các mô hình giúp gia đình chị Thảo có thêm thu nhập mỗi năm trên 60 triệu đồng, ổn định về kinh tế.
Chị Phạm Loan Thảo, ấp Voi Vàm, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết thêm “Tôi thấy rắn ri cá, rắn ri voi và cua đinh rất có giá trị cao về kinh tế nên tôi cũng học hỏi, tìm kiếm cách nuôi để thực hiện cho gia đình. Ban đầu tôi chỉ nuôi số lượng ít nhận thấy rắn sinh sản nhiều dễ nuôi nên đầu tư thêm vốn mua giống về thả nuôi để phát triển kinh tế. Hiện nay tôi bán rắn, cua đinh cho các quán ăn, nhà hàng nên giá cũng cao và được đặt hàng từ trước nên không lo sợ đầu ra.
Chị Huỳnh Thảo Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển thông tin “Các cấp hội phụ nữ đã vận động hội viên phụ nữ tận dụng diện tích sẵn có của gia đình để phát triển các mô hình sản xuất như nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập cho gia đình đa dạng mô hình. Để chị em yên tâm chúng tôi cũng liên kết với các địa phương trong tỉnh tìm kiếm đầu ra và hỗ trợ khoa học kỹ thuật để chị em có được kiến thức, kinh nghiệm khi nhân rộng các mô hình”,.
Hiệu quả kinh tế từ các mô hình chăn nuôi mang lại không chỉ giúp gia đình chị Loan Thảo cải thiện thu nhập còn là động lực để nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn xã học tập và noi theo cùng nhau vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, từng bước khẳng định vai trò của người phụ nữ trong làm chủ kinh tế./.