Nằm ở ven cửa biển Rạch Gốc, ấp Ô Rô, xã Tân Ân có phần đông hội viên, phụ nữ sinh sống bằng nghề chế biến cá khô. Sản phẩm cá khô do các chị em làm ra luôn chú trọng về uy tín, chất lượng nên được thị trường rất ưa chuộng. Tuy nhiên, các chị chủ yếu sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình nên sản lượng cung ứng ra thị trường chưa cao. Để giúp các chị phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội LHPN xã đã vận động thành lập tổ hợp tác chế biến các loại cá khô, qua đó được chị em đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.
Tổ hợp tác chế biến khô ấp Ô Rô, xã Tân Ân tăng công suất hoạt động phục vụ thị trường Tết
Bà Trần Thị Lũy, tổ trưởng Tổ hợp tác chế biến khô ấp Ô Rô, xã Tân Ân cho biết: “Lúc đầu vận động tham gia vào Tổ các chị em còn rụt rè, chưa mạnh dạn tham gia nên số lượng thành viên còn thấp. Tuy nhiên sau thời gian nhận thấy Tổ hoạt động hiệu quả, các chị em lân cận đã xin tham gia vào Tổ để cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ 5, 6 hội viên lúc mới thành lập, đến nay, tổ hợp tác hoạt động khá hiệu quả đã thu hút gần 15 thành viên tham gia”.
Chị Lê Thị Hồng, tổ viên Tổ hợp tác chế biến khô ấp Ô Rô, xã Tân Ân chia sẽ: “Lúc trước mình làm đơn lẻ nên mỗi tháng bán ra cũng không được bao nhiêu kilogam cá khô. Từ khi mình tham gia vào Tổ, số lượng bán ra nhiều hơn, được các chị em chia sẽ kinh nghiệm nên kỹ thuật và tay nghề cũng được nâng cao hơn trước. Nhờ vậy, thị trường ưa chuộng nhiều hơn, thu nhập ổn định, giúp mình trang trải chi tiêu trong gia đình”.
Tham gia vào tổ hợp tác, các chị được Hội LHPN địa phương hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật chế biến, bảo quản cá khô một cách bài bản, khoa học. Ngoài ra, được tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả ở nơi khác. Từ khi vào tổ hợp tác, liên kết với nhau trong sản xuất không chỉ giúp các chị sản lượng cung ứng cho thị trường, tạo việc làm ổn định mà còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Chị Hứa Minh Quang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Ân thông tin: “Bên cạnh việc khuyến khích, vận động các chị liên kết với nhau để thành lập Tổ hợp tác sản xuất, Hội còn hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn để tạo nguồn lực cho chị em phát triển mô hình. Ngoài ra, Hội sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm của các chị em địa phương làm ra trên các phương tiện thông tin đại chúng; mạng xã hội, kết nối kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm; trưng bày và tìm kiếm đầu ra sản phẩm, giúp các chị em yên tâm tham gia vào tổ, có điều kiện làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.
Theo Hội LHPN huyện Ngọc Hiển, tính đến nay, toàn hội đã thành lập được nhiều mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã với các nghề: nghề chế biến cá khô, bánh phồng tôm, tôm khô, vót đũa, làm mắm tôm, mắm cá các loại. Trung bình mỗi tổ hợp tác đã tạo việc làm từ 10- 15 lao động nữ ở vùng nông thôn và tạo thu nhập mỗi lao động từ 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi thành lập tổ hợp tác, sản phẩm các ngành nghề sản xuất được tăng lên về số lượng và chất lượng, chị em cũng đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệm làm nghề về sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều chị em phụ nữ từ khó khăn đã vươn lên xóa nghèo bền vững, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.
Có thể nói, mô hình tổ hợp tác của phụ nữ huyện Ngọc Hiển là hướng hoạt động hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, để các chị mạnh dạn cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế, qua đó cùng nhau chung tay xây dựng quê hương thêm khởi sắc./.