Buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn
Nhiều năm qua, Tổ TK&VV khóm 6, thị trấn Rạch Gốc luôn thực hiện tốt vai trò quản lý nguồn vốn cho vay. Hầu hết tổ viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, không có nợ quá hạn. Bà Bùi Thị Thu, Tổ trưởng Tổ TK&VV khóm 6, thị trấn Rạch Gốc cho biết: “Hiện, tổ có 59 hộ vay với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Để người dân tiếp cận nguồn vốn, tổ tích cực tuyên truyền về các chương trình vốn, đồng thời định hướng các hộ vay sử dụng vốn thực hiện mô hình sản xuất phù hợp. Sau khi cho vay, tổ tiến hành kiểm tra sau 30 ngày, nếu các hộ sử dụng chưa đúng mục đích, tổ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Đến nay, nguồn vốn tổ đã giúp được 9 tổ viên thoát nghèo”.
Điển hình như gia đình chị Ngô Ngọc Huyền, khóm 6, thị trấn Rạch Gốc. Do không có nghề nghiệp ổn định, thiếu đất sản xuất nên kinh tế gia đình chị Huyền rất khó khăn. Vợ chồng chị phải làm mướn để trang trải cuộc sóng hằng ngày. Khi được vận động tham gia vào Tổ TK&VV, chị Huyền được cho vay 20 triệu đồng để sắm sửa phương tiện và ngư lưới cụ để làm lưới cá. Sau 1 năm bám biển, kinh tế gia đình chị Huyền khởi sắc hơn và dần trả nguồn vốn vay cho ngân hàng. Hiện chị đã trả hết nợ cũ và vừa được vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng sản xuất.
Chị Huyền bộ bạch: “Cũng nhờ sự động viên, quan tâm của tổ trưởng cũng như các anh, chị em tổ viên mà gia đình tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong quá trình sử dụng vốn, gặp khó khăn gì, chúng tôi đều được tổ trưởng tổ TK&VV giúp đỡ, hướng dẫn kịp thời. Nhờ nguồn vốn vay mà gia đình tôi có điều kiện làm ăn, thoát nghèo, có điều kiện lo cho con học hành đến nơi đến chốn”.
Không chỉ Tổ TK&VV khóm 6 mà hầu hết các Tổ TK&VV tại các ấp, khóm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã và đang quản lý nguồn vốn vay ưu đãi một cách hiệu quả. Cụ thể thời gian qua, các tổ đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, giúp người dân sử dụng hiệu quả vốn vay; đôn đốc thu nợ, thu lãi vay đúng kỳ hạn và tổ chức bình xét công khai, dân chủ. Mạng lưới các tổ TK&VV được kiện toàn hơn và phủ kín rộng khắp kể cả các ấp, khóm xa xôi trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện có 231 tổ TK&VV, trong đó có 194 tổ xếp loại tốt, khá không có tổ yếu kém.
Ngoài phổ biến các chương trình cho vay, các Tổ TK&VV còn tích cực tuyên truyền, vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ. Việc tham gia dựa trên tinh thần tự nguyện để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ. Đồng thời, tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các tổ TK&VV khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ với nhau nhưng tất cả đều phải được công khai.
Ông Đàm Văn Trọng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hiển thông tin: “Nhận thức rõ vai trò của Ban quản lý Tổ TK&VV, NHCSXH huyện thường xuyên chủ động phối hợp, kiện toàn và củng cố mạng lưới các Tổ TK&VV; nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Ban quản lý tổ trên địa bàn. Song song đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực và trách nhiệm của Ban quản lý Tổ TK&VV trong việc quản lý và sử dụng vốn, đặc biệt là làm tốt vai trò động viên, đôn đốc các hộ vay chấp hành trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn… Do vậy, thời gian qua nguồn vốn vay được quản lý chặt chẽ và người vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. ”