Nhiều diện tích vuông tôm của người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển bị thiệt hại
Với diện tích 10ha nuôi trồng thủy sản như hộ ông Tăng Kim Ngân, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng phải rơi vào cảnh khó khăn khi sản lượng thu hoạch sụt giảm, thu nhập thấp và không thu về lợi nhuận cho mỗi vụ nuôi. Trước đây, mỗi con nước xổ vuông gia đình thu về vài chục triệu đồng, thì nay chỉ kiếm được vài triệu đồng mỗi con nước bởi tình trạng tôm, cua thất mùa, rớt giá khiến gia đình ông Ngân tổn thất rất lớn về kinh tế.
Ông Tăng Kim Ngân, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển tâm sự, tôi đã gắn với con tôm, con cua vùng đất ngập mặn trên 40 năm nhưng chưa thấy năm nào nuôi thủy sản lại gặp khó như năm nay. Tôm, cua nuôi liên tục rớt giá, bị chết. Mấy năm gần đây gia đình sổ vuông thất nhất cũng được 10 triệu đồng, nhưng đầu năm 2020 đến nay mỗi con nước sổ vuông chưa đến 2 triệu đồng. Nếu đà này kéo dài nhiều người sẽ bỏ vuông và đi làm ăn xa.
Theo thống kê toàn huyện Ngọc Hiển, có khoảng 32.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có 18.000ha nuôi tôm sinh thái, hơn 13.000ha nuôi tôm – rừng kết hợp, còn lại nuôi tôm công nghiệp. Nhưng trước thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhiều diện tích đã thiệt hại, tôm nuôi được khoảng 40 ngày tuổi thì có dấu hiệu chết.
Một thực trạng mà nhiều người dân của huyện ven biển phải đối mặt là sự tác động của dịch bệnh Covid-19, các mặt thủy hải sản như tôm, cua rớt giá thê thảm, người nuôi không có lãi, nhưng phải thu hoạch để gỡ gạc phần nào. Thời điểm này năm trước, giá cua dao động từ 300.000 đến 600.000 ngàn đồng/kg, thì nay chỉ còn khoảng 150.000 đến 300.000 đồng/kg. Riêng tôm sú loại 20 con/kg hiện tại có giá 150.000 ngàn đồng/kg. Như vậy, giá các mặt hàng chủ lực của huyện Ngọc Hiển đã sụt giảm phân nửa, gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất, thu nhập của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Thành Phương, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho rằng, thủy sản rớt giá thì nông dân vùng mặn cũng cầm cự được nếu như con tôm, cua nuôi trúng vụ nhưng đằng này thủy sản đã thất vụ, thu hoạch không được bao nhiêu giá bán liên tục sụt giảm, nông dân gặp khó khăn, kéo dài thời gian không có giải pháp thì nông dân sẽ đói.
Không chỉ rớt giá, nhiều hộ dân đành chấp nhận thua lỗ khi tôm chết, theo ông Tạ Quốc Hùng, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc nguyên nhân tôm chết do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài độ mặn trong nước tăng cao khiến tôm nhiễm bệnh và chết rải rác. Hàng ngày, ông Hùng phải nhặt những con tôm chết do nhiễm bệnh và tiến hành xử lý vuông nuôi tôm để cứu vớt số tôm còn lại để mong lấy đủ tiền con giống ông đã thả 01 tháng trước trên 10 triệu đồng.
Ông Tạ Thanh Hùng, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển rầu rĩ cho biết “Những năm trước tôm sú thất vụ, vuông cũng còn tôm thẻ thiên nhiên, mỗi con nước sổ vuông kiếm được ít nhất 3 triệu đồng trở lên. Nhưng giờ hầu như tôm thẻ không có nhiều, gần như thất trắng. Bây giờ thì nông dân vùng chuyên tôm ở đây chưa biết làm sao, cố gắng cầm cự và cải tạo lại diện tích đất để chờ vụ sau thả giống và mong được mùa được giá để lấy lại vốn”.
Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển trên 50ha, đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, nếu điều tra, rà soát con số này sẽ còn tăng lên. Điều này gây khó khăn và bất lợi cho người nuôi tôm trong thời gian tới bởi tình trạng nắng nóng còn kéo dài và tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ làm giá tôm, cua không ổn định.
Ông Đào Văn Tươi, Chủ tịch Hội thủy sản huyện Ngọc Hiển nhìn nhận, nói một cách tổng quát những tháng đầu năm 2020 tình hình nắng nóng kéo dài, ban đêm thời tiết lạnh và thay đổi bất thường khiến tôm nuôi bị sốc nhiệt độ chết. Theo rà soát hiện nay trên toàn địa bàn huyện Ngọc Hiển 10 hộ nuôi thì đã có đến 08 hộ thất vụ, còn lại 02 hộ năng suất nuôi chỉ đạt mức trung bình.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn huyện Ngọc Hiển, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài, bà con nuôi tôm cần theo dõi diễn biến thời tiết và không nên thả giống vào giai đoạn này. Thường xuyên kiểm tra độ mặn trong vuông tôm, tiến hành đảo nước để giảm độ mặn, thường xuyên bón voi xung quanh bờ vuông nuôi tôm, khi xuất hiện những cơn mưa trái mùa để hạn chế độ phèn; với những diện tích ao nuôi tôm bị thiệt hại bà con không nên xả nước trực tiếp ra sông rạch, hạn chế ảnh hưởng đến vuông nuôi lân cận do lấy nước vào vuông. Vào giai đoạn này giá cả cũng thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên bà con cần bình tĩnh, thời gian tới nếu dịch bệnh khả quan thì giá tôm của sẽ tăng trở lại, đó là những chia sẽ của ông Lê Hoài Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển.
Để giúp người nuôi tôm yên tâm tái sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và tình trạng hạn hán xâm nhập mặn. Địa phương cần có những chính sách hỗ trợ và giải pháp trước mắt nhằm tháo gở tình trạng thất mùa, rớt giá, giúp người dân ổn định kinh tế, khôi phục lại diện tích tôm nuôi./.