Xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển là địa phương có nghề khai thác, đánh bắt hải sản từ lâu đời. Hiện xã có gần 40% hộ gia đình làm nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Từ đầu năm đến nay, sản lượng đánh bắt đạt gần 2.700 tấn, đạt 70% kế hoạch năm. Người dân nơi đây đã gắn bó với biển cả, coi biển cả là nguồn sống của gia đình. Ông Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ân cho biết: “Những năm gần đây, nhiều ngư dân xã Tân Ân đã đầu tư vốn đóng tàu to, máy lớn vươn khơi xa bờ nên sản lượng khai thác đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, nhiều ngư dân đã có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống phát triển lên từ nghề đánh bắt hải sản”.
Khai thác và đánh bắt thủy sản là một trong những lợi thế phát triển kinh tế của người dân Tân Ân
Gia đình ngư dân Huỳnh Hoàng Hà, ở ấp Ô Rô, xã Tân Ân được xem là gia đình có truyền thống gắn bó với nghề khai thác biển. Bởi tính đến nay, gia đình ông đã có 03 thế hệ nối tiếp nhau làm nghề khai thác, đánh bắt hải sản. Gần 40 năm bám biển, ông Hà là người có thâm niên và dày dặn kinh nghiệm trong nghề. Đi biển từ năm 16 tuổi, ông Hà đã trải qua nhiều nghề trên biển như đóng đáy, cào, lưới cá chét… Nhờ làm nghề biển mà gia đình ông khấm khá hơn, ngày càng “ăn nên làm ra”. Sau một thời gian dài làm nghề đánh bắt thủy sản, ông đã tích góp đóng mới được 03 chiếc tàu, mỗi chiếc có trọng tải khoảng 25 tấn với công suất hơn 90CV chia cho 03 người con trai tiếp tục làm nghề. Ông Hà chia sẻ: “Biển đã mang lại nguồn hải sản, cá tôm để nuôi sống gia đình, lo cho con cái; là tài sản quý giá nên tôi luôn động viên con cháu yêu quý và gắn bó với nghề truyền thống của cha ông. Nhờ đó mà cho đến hôm nay, đời con, đời cháu tôi vẫn bền bỉ bám nghề, vươn khơi đánh bắt”.
Mặc dù đi biển vất vả, gian nguy, thường xuyên phải đương đầu với sóng to, gió lớn nhưng nhiều ngư dân vẫn yêu thích, động viên nhau để bám nghề và đổi lại biển đã giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Sinh ra và lớn lên từ vùng quê biển, ngư dân Nguyễn Tú Em ở ấp Ô Rô, xã Tân Ân bắt đầu bám biển từ năm 15 tuổi. Thời gian này, anh Tú Em chỉ làm bạn thuyền cho các chủ phương tiện khác, thu nhập chỉ đủ để trang trải cho bản thân chứ chưa lo được cho gia đình. Bằng ý chí và kinh nghiệm sau nhiều năm đi biển, anh Nguyễn Tú Em đã quyết định dùng số tiền tích góp và vay mượn thêm số vốn đóng mới con tàu để mưu sinh.
Ban đầu anh Nguyễn Tú Em cũng gặp không ít khó khăn, vì phải lo chi trả số tiền vay mượn, lại phải lo mưu sinh để đảm bảo đời sống anh em bạn thuyền. Tuy nhiên, với kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề và học được từ những người đi trước, cộng với sự nhiệt tình, cố gắng của anh em bạn thuyền đã giúp anh vượt qua khó khăn. Hiện nay, anh đã làm chủ phương tiện có trọng tải 09 tấn với công suất 105CV. “Gắn bó với nghề lưới cá chét, mỗi chuyến đi về thu từ 70 đến 120 triệu đồng/chuyến, có những chuyến gặp may thu khoảng 130 đến 200 triệu đồng. Nhờ tích cực bám biển mà hôm nay gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn, có điều kiện để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học” – anh Tú Em phấn khởi nói.
Những kết quả đạt được của ngư dân trẻ Nguyễn Tú Em đã thôi thúc anh và những thanh niên địa phương vươn khơi bám biển để làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nghề đi biển cũng đã mang lại nguồn thu nhập khá, nâng cao đời sống cho ngư dân miền biển Tân Ân. Về vùng quê này, những ngôi nhà kiên cố mọc san sát nhau, chợ quán nhộn nhịp người mua sắm. Nhiều cơ sở, dịch vụ hậu cần nghề cá mọc lên để đáp ứng nhu cầu cho nghề khai thác hải sản ở địa phương. Đáng phấn khởi hơn là hiện nay, chính quyền xã Tân Ân đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để người dân tiếp tục khai thác có hiệu quả nguồn lợi hải sản, vươn khơi đánh bắt.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhiều ngư dân không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu cho gia đình và quê hương từ chính nghề biển mà họ đã gắn bó./.