NGỌC HIỂN: ĐẨY MẠNH ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Qua 02 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Ngọc Hiển đã không ngừng theo dõi, tập trung chỉ đạo và bước đầu đã đạt được kết quả đáng trận trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quán triệt triển khai đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, thị trấn. Xác định và phát triển tốt hai ngành nghề chủ lực của huyện là nuôi tôm sinh thái và nuôi cua biển. Ngành nghề nuôi tôm sinh thái của huyện đã được liên kết với các công ty xuất nhập khẩu thủy sản, tổ chức hợp tác phát triển; qua đó đã được tổ chức Naturland chứng nhận nuôi tôm sinh thái cho 1.972 hộ tương đương với 8.565ha tại các xã Viên An Đông, Tam Giang Tây, Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc. Riêng ngành nghề nuôi cua biển huyện đã xây dựng các mô hình nuôi cua, ương cua biển và các mô hình nuôi cua - tôm kết hợp, từ đó đã thành lập được Tổ hợp tác chuyên sản xuất cua giống đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Ngoài ra, huyện còn chuyển đổi, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trưởng trên cơ sở phát huy lợi thế của từng lĩnh vực, cụ thể: nuôi trồng thủy sản với diện tích 23.275ha, trong đó tập trung nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm công nghiệp, nuôi nghêu, nuôi sò huyết; khai thác thủy sản; phát triển giống thủy sản; chăn nuôi gia súc gia cầm; lâm nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề tôm khô, cá khô; phát triển dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.
Toàn cảnh buổi làm việc
Với nội dung kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các chỉ tiêu trong chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện. Năm 2016, ước tính trên địa bàn huyện tổng sản lượng thủy sản đạt 54.890 tấn, đạt 94,48% kế hoạch, trong đó có 16.570 tấn tôm, đạt 92,57 % kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 28.890 tấn đạt 90% kế hoạch, sản lượng khai thác thủy sản đạt 26.000 tấn, đạt 100% kế hoạch; khai thác rừng và trồng rừng mới đạt chỉ tiêu tỉnh giao; lượng tôm giống xuất ra đạt 5 tỷ con, đạt 100% kế hoạch; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 108.000 con, đạt 100% kế hoạch; trồng rau màu và cây ăn trái đạt 1.650 ha; tiêu chí xây dựng nông thôn mới thuộc ngành nông nghiệp đạt 03/6 xã, chiếm 50%.
Tại buổi biểu làm việc ông Trần Hoàng Lạc, Phó Chủ tịch UBND huyện ý kiến phát biểu: Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện được triển khai thuận lợi và đạt kết quả, UBND huyện kiến nghị với Đoàn hỗ trợ, giúp đỡ huyện sớm hoàn thành các thủ tục tạo thương hiệu phát triển hai ngành nghề chủ lực của địa phương; có giải pháp hỗ trợ ổn định giá cả trong mùa vụ tôm, cua tránh để doanh nghiệp ép giá người dân; ngăn chặn triệt để tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu thủy sản; quan tâm hỗ trợ nhiều dự án công trình từ nguồn vốn trung ương cấp bù miễn thủy lợi phí để giúp bà con đi lại thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển cuộc sống; nghiên cứu, hỗ trợ hệ thống thoát nước nối mạng ở các xã trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được huyện cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như công tác chỉ đạo thực hiện Đề án bước đầu còn lúng túng; sự phối hợp giữa các ngành và địa phương một vài nơi chưa chặt chẽ; kinh phí đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình còn thiếu, một số địa phương còn tư tưởng trong chờ ỷ lại vào nguồn vốn được hỗ trợ từ trên; trong xây dựng mô hình sản xuất còn dàn trải nhiều nội dung trùng lắp dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát; khả năng tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất của người dân còn hạn chế; đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại cơ sở còn thiếu và yếu; việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể còn nhiều bất cập; sự hỗ trợ, liên kết “4 nhà” trong sản xuất còn hạn chế, từ đó chưa hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa quy mô tập trung.
Kết luận buổi làm việc ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu: Ghi nhận sự nổ lực và kết quả đạt được cùng một số ý kiến kiến nghị của huyện. Đồng thời chỉ rõ những tồn tại hạn chế như chưa khai thác, phát huy một cách có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương và chưa tạo ra được bước đột phá nhất là trong các ngành hàng chủ lực và giống thủy sản tự nhiên của huyện. Trong thời gian tới, đề nghị UBND huyện tập trung chỉ đạo hơn nữa trong công tác thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiêp; rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và đề ra các giải pháp thực hiện từng giai đoạn, đặc biệt là các mặt hàng giống thủy sản tự nhiên của huyện; tập trung phát triển 02 ngành nghề chủ lực của địa phương tạo hướng đột phá và làm nổi bật đối với 02 ngành nghề chủ lực này; ngoài ra rà soát thêm các mặt hàng được xem là có giá trị cạnh tranh bổ sung vào xây dựng ngành hàng chủ lực của địa phương để khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của mình. Song song đó, cần tập trung hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu trong chương trình phối hợp năm 2016 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện./.