Làm bằng phương pháp thủ công nhưng mắm tôm - món ăn dân dã được thị trường rất ưa chuộng, giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập, phát triển kinh tế. Nhận thấy việc làm đơn lẻ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Lưu Kim Trúc, ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông đã mạnh dạn tập hợp một số chị em trong ấp thành lập nên Tổ hợp tác chế biến mắm tôm. Từ chỗ làm ra chỉ để phục vụ bữa ăn gia đình, hiện nay, món mắm tôm của Tổ hợp tác Kim Trúc đã trở thành sản phẩm đặc sản của địa phương, có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.
Thời điểm này, Tổ hợp tác Kim Trúc tăng sản lượng đáp ứng đơn đặt hàng
Chị Trúc cho hay: “Từ giữa tháng 10 âm lịch, các chị em trong tổ tập trung lại, mỗi người một việc cùng nhau làm nên những mẻ mắm thơm ngon, chất lượng phục vụ thị trường. Năm nay, do dịch bệnh phức tạp nên các chị em hạn chế tập trung đông như mọi năm, ngồi làm cũng giữ khoảng cách với nhau, đeo khẩu trang để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa đảm bảo công việc, có thêm nguồn thu nhập đón Tết”.
Có hơn 3 năm gắn bó với Tổ hợp tác mắm tôm Kim Trúc, chị Nguyễn Hồng Huệ, ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển chia sẽ: “Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tới nay đa số các chị em làm ở nhà, ít có tập trung lại với nhau. Dịch bệnh, bán ít hơn nhưng vẫn đều đều, đầu ra cũng khá ổn nên các chị em trong tổ cũng có thêm thu nhập trang trải mùa dịch. Giờ thì vào mùa cao điểm, các chị em phải tập trung làm mới kịp và đủ cung cho thị trường. Tuy không được đông vui như trước nhưng cũng thấy có chút không khí vụ Tết”.
Theo chị Trúc, để có được mắm ngon, chất lượng, ngoài việc lựa chọn nguyên liệu tươi sống thì điều tiên quyết phải tuân thủ là cẩn thận, sạch sẽ ở từng khâu chế biến. Ngoài ra, nguyên liệu, gia vị để ướp mắm cũng phải chọn loại chất lượng, có thương hiệu đàng hoàng. Công đoạn làm mắm tôm cũng khá kỳ công. Tôm tươi thu mua về được phân cỡ, rửa sạch, lặt đầu, loại bỏ chỉ lưng, ngâm nước muối sau đó rửa sạch, ướp gia vị rồi vô keo đem phơi nắng từ 7 đến 10 ngày. Cứ 1kg tôm nguyên liệu thì được hơn 1kg mắm thành phẩm, giá bán ổn định từ 130.000 – 160.000 đồng/kg. Mỗi tháng, tổ hợp tác cung cấp ra thị trường hơn 100kg mắm, riêng dịp Tết, sản lượng tăng gấp 3 - 4 lần. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là ở Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Chị Nguyễn Thị Thu Ngân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển thông tin: “Bên cạnh tuyên truyền, vận động các chị liên kết với nhau để thành lập các tổ hợp tác, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định thì Hội còn khuyến khích các chị xây dựng sản phẩm mắm tôm đạt chuẩn OCOP. Khi được đạt sao, không những nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương; mở rộng thị trường tiêu thụ vào các kênh phân phối lớn như siêu thị mà còn để giúp các chị em nâng cao thu nhập, khởi sắc kinh tế”.
Hiện nay, không chỉ mắm tôm của tổ hợp tác Kim Trúc mà của nhiều cơ sở khác trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu được nhiều người biến đến. Ngoài những kênh phân phối sản phẩm truyền thống, các cơ sở còn nhạy bén cập nhật công nghệ thông tin, đẩy mạnh marketing, truyền thông để tiếp cận được lượng khách hàng rộng hơn, đa dạng hơn.
Chính nhờ nguyên tắc làm nghề khắt khe mà mắm tôm dù là một món ăn dân giã, được làm thủ công nhưng lại luôn được thị trường tin cậy, nức tiếng gần xa. Thậm chí nhiều người còn mua về để làm quà biếu vào những dịp lễ, Tết, nhờ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ./.