Chị Lê Ái Diễm, ngụ ấp Kinh Đào, xã Đất Mũi được biết đến là một trong những người tiên phong đưa đặc sản khô cá thòi lòi đến với thị trường. Hơn 12 năm bén duyên với nghề, chị Diễm đã có kinh nghiệm, kỹ thuật và bí quyết chế biến riêng để sản phẩm khô cá thòi lòi đậm đà, tròn vị, làm say lòng thực khách ở mọi miền. Hiện cơ sở của chị là một trong những đầu mối chuyên cung cấp khô thòi lòi với sản lượng trung bình từ 100 – 200kg/ tháng, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Theo chị Diễm, khô cá thòi lòi dễ làm, chỉ khó nhất là khâu đánh vảy, bởi vảy cá rất mịn, nếu không biết cách làm sẽ sót vảy, thành phẩm làm ra vừa không ngon lại không đẹp mắt. Cá sau khi đánh sạch vảy được xẻ, ướp gia vị rồi phơi trực tiếp khoảng 2 ngày dưới ánh nắng mặt trời. 1 kg khô cần từ 4 – 5kg cá tươi, giá bán từ 350.000 – 450.000 đồng/kg.
Cá thòi lòi được phơi tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời khoảng 2 ngày mới ra thành phẩm
Cũng theo chị Diễm, khô thòi lòi có 2 loại: xẻ ướp và nguyên con phơi khô. Mỗi loại có cách chế biến riêng nhưng đều đảm bảo giữ được dộ dai, ngon ngọt tự nhiên của thịt cá. Với những người sành ăn hay du khách họ lại thích loại cá nguyên con hơn bởi sản phẩm làm ra vừa giữ được hình dáng đặc trưng, ngộ nghĩnh vừa giữ được vị ngon nguyên thủy của thịt cá.
Cá thòi lòi chỉ sinh trưởng trong môi trường tự nhiên ở kênh rạch, ven sông, khó đánh bắt, thường phải câu hoặc đặt xà di để bắt nên lượng cá phục vụ cho nhu cầu ẩm thực không nhiều. Từ tháng 5 đến tháng 12 âm lịch là vào mùa cá thòi lòi, sản lượng cao hơn các tháng còn lại trong năm.
Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, dù là món ăn dân dã, được chế biến hoàn toàn theo phương pháp thủ công nhưng hộ làm nghề luôn cẩn thận, tỉ mỉ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong từng khâu chế biến.
Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển thông tin: “Từ khi bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Cá thòi lòi Đất Mũi – Cà Mau”, các sản phẩm từ cá thòi lòi ở huyện Ngọc Hiển được thực khách săn lùng, trở nên hút hàng, sản lượng tiêu thụ tăng, giúp nhiều chị em tăng thêm thu nhập. Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các hộ làm nghề còn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, đổi mới kỹ thuật, quy trình và luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến. Ngoài ra, chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác để tạo thương hiệu riêng, phấn đấu từ nay đến năm 2024, sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP”./.