Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều chủ thể trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Từ chương trình, những sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương được khoát lên tấm áo mới, có chất lượng đạt tiêu chuẩn, đa dạng về chủng loại, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại và giới thiệu quảng bá rộng khắp.
Ông Lê Hoài Phương, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển thông tin: “Hiện toàn huyện có 09 công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã và 45 cơ sở chế biến, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 600 tấn sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong số đó, có 25 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao OCOP. Với tấm vé thông hành là sản phẩm OCOP được xếp hạng sao, nhiều sản phẩm của huyện Ngọc Hiển không chỉ tiêu thụ mạnh mẽ trong nước mà còn triển vọng vươn xa ra thị trường nước ngoài”.
Ngọc Hiển có hơn 23.000ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, đối tượng nuôi chủ lực là con tôm. Tôm Ngọc Hiển tự hào là con tôm sinh thái, được các tổ chức quốc tế chứng nhận, có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Phát huy thế mạnh nguồn tôm nguyên liệu dồi dào, người dân đã chế biến ra chuỗi sản phẩm và gắn sao OCOP để nâng cao giá trị cho con tôm Ngọc Hiển.
Hợp tác xã tôm khô Tân Phát Lợi, ấp Tân Lập xã Tân Ân Tây là đơn vị đi đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP của huyện Ngọc Hiển. Đến nay, hợp tác xã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao OCOP, trong đó, có đến 8 sản phẩm được chế biến từ con tôm. Sau khi được công nhận, hợp tác xã không ngừng nâng cao về chất lượng, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm. Một số sản phẩm như tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ, chà bông tôm được người tiêu dùng ở thị trường các nước: Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc ưa chuộng.
Ông Bùi Văn Chương Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi cho rằng: “Đạt sao OCOP đã khó nhưng việc giữ chuẩn và nâng hạng sao càng khó hơn. Do đó, chúng tôi đã dành nguồn vốn hơn 4,2 tỷ đồng đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị như: Máy rửa, máy hấp, lò sấy, máy bóc vỏ, máy phân cỡ, máy đánh bóng, máy đánh tơi, máy đập tôm, nhà phơi năng lượng mặt trời, kho cấp đông,… để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiến tới nâng cấp sao cho sản phẩm, kỳ vọng vươn xa ra thị trường lớn”.
Hợp tác xã Tân Phát Lợi có 10 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao OCOP
Nhận thấy hiệu quả từ chương trình OCOP mang lại, giữa năm 2023, cơ sở sản xuất kinh doanh Giang Loan, ấp Ba Nhất, xã Tam Giang Tây đã quyết tâm thực hiện và xây dựng thành công sản phẩm tôm khô tách vỏ đạt chuẩn 3 sao OCOP. Sản phẩm của cơ sở được chế biến từ con tôm đất tươi sống nuôi tự nhiên dưới tán rừng, chất lượng thịt thơm ngon, ngọt, dai tự nhiên, có màu đỏ gạch, đậm vị tôm Cà Mau; được đánh giá phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng, thể hiện đậm nét đặc sắc, truyền thống của địa phương.
Anh Nguyễn Trường Giang, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Giang Loan nhận định: “Hiện nay, người tiêu dùng lại có xu hướng thích sử dụng những sản phẩm truyền thống, chế biến theo công thức “nhà làm”. Vì vậy, mỗi sản phẩm làm ra, cơ sở luôn cố gắng giữ trọn những gì thuộc về truyền thống địa phương, từ nguyên liệu, cách làm, công thức chế biến đến hương vị. Sau khi vào OCOP, sản phẩm càng nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trên thị trường với đầu ra khá ổn định, mỗi tháng cung ứng từ 200 – 300kg, tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng và ở các siêu thị”.
Cơ sở sản xuất Giang Loan phấn đấu xây dựng sản phẩm tôm khô đất tách vỏ đạt chuẩn sao OCOP
Với bề dày gần 20 năm gắn bó nghề truyền thống, cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền, xã Tân Ân Tây luôn tâm huyết, chú trọng nâng chất sản phẩm của mình làm ra. Bánh có hàm lượng tôm rất cao nên có màu đỏ au đặc trưng, bánh dày, thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Các công đoạn từ nhàu bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh đến đóng gói đều thực hiện thủ công nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ khi đạt chứng nhận 3 sao OCOP, sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở thị trường truyền thống lâu nay mà còn góp mặt ở nhiều kệ hàng bán lẻ trên khắp cả nước.
Ông Lê Ngọc Thạnh, chủ cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền phấn khởi: “Ngày xưa làm bánh vì để lưu truyền nghề cha ông để lại rồi buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương kiếm chút đỉnh để trang trải chi tiêu sinh hoạt. Nay nhờ OCOP mà sản phẩm của gia đình đã được vươn xa, thậm chí khách ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương rồi đến tận Hà Nội vẫn gọi vào đặt hàng. Sự ủng hộ, niềm tin của khách hàng là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu nâng hạng sao, để món ăn quê hương cực Nam vươn tầm đi “xuất ngoại”.
Chương trình OCOP khơi dậy, đánh thức tiềm năng của hàng trăm đặc sản nông thôn Ngọc Hiển. Doanh thu từ các sản phẩm sau khi được công nhận tăng khoảng 15 - 30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, với mức lương dao động từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng.
Chương trình thực sự là làn gió mới để các cơ sở, hộ làm nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp toàn huyện khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị. Từ đó hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng vùng đất cực Nam thêm khang trang, giàu đẹp./.