Với hơn 40 bể ươm, trước đây, mỗi tháng anh Bùi Thế Khâm, ấp Bà Khuê, xã Viên An xuất bán hơn 300.000 con cua giống, thu nhập ổn định từ 20 – 30 triệu đồng, giúp gia đình phát triển kinh tế, nuôi con ăn học. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 đến nay, việc sản xuất, tiêu thụ con giống gặp khó, anh Khâm phải thu hẹp hơn một nửa diện tích bể ươm, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng đáng kể.
Anh Bùi Thế Khâm kiểm tra giống trước khi xuất trại
Anh Khâm cho biết: “Mấy tháng gần đây dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc đi lại, vận chuyển siết chặt hơn. Con giống vận chuyển ra, vào tỉnh gặp nhiều khó khăn nên thương lái ngoài tỉnh hạn chế thu mua. Hơn nữa, cua thương phẩm rớt giá so với trước, đầu ra không ổn định, mùa màng lại không trúng vụ như trước nên bà con cũng lo ngại thả thêm giống nối vụ. Giá tôm giống cũng vì vậy mà rớt liên tục”.
Theo anh Khâm, cua giống tới lứa thì phải xuất trại nhưng do thiếu thị trường đầu ra nên nhiều chủ trại ở đây “bán tháo bán đổ” cho người dân để gỡ gạt chi phí, xoay sở kinh tế gia đình. Nhiều tháng nay, giá cua giống giảm sâu so với trước và vẫn chưa có tín hiệu phục hồi. Hiện, tùy theo kích cỡ mà giá cua giống dao động từ 180 – 350 đồng/con, trong khi trước đó giá ổn định từ 300 – 700 đồng/con.
Không tìm được đầu ra lại vừa tốn thêm nhiều chi phí phát sinh do cua giống ngày càng lớn làm cho nhiều hộ ươm nuôi cua đứng trước nguy cơ thua lỗ, không ít hộ đã bỏ trống ao nuôi. Trong khi đó, để duy trì sản xuất và sinh kế, một số hộ vẫn kiên trì ươm nuôi, chọn giải pháp sản xuất phù hợp hơn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh.
Đơn cử như hộ anh Lý Thành Lập, ở ấp Bà Khuê, xã Viên An. Theo anh Lập, hơn 10 năm gắn bó với nghề ươm cua giống, chưa bao giờ gặp tình cảnh như lúc này. Nhiều ao nuôi phải bỏ trống, sản lượng xuất ra giảm hơn một nửa so với trước kia lại thêm lo sợ cua giống xuất trại không có người mua nhưng anh vẫn không nản chí mà tâm huyết bám trụ với nghề. Anh Lập cho biết: “Hồi trước thì mình thả mỗi ao 5.000 con giống, giờ dịch bệnh thì mình chỉ thả 2.000 con thôi, vừa giảm bớt chi phí đầu tư mà vừa có thể duy trì được công việc kiếm sống của mình. “Ăn theo thuở, ở theo thời” mà, dịch bệnh này có thể kéo dài, nếu mình buông luôn không tiếp tục làm thì có nước… đói”.
Ông Diệp Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Viên An, huyện Ngọc Hiển thông tin: “Trước mắt, địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con nên ươm nuôi với số lượng vừa phải, không nên mở rộng sản xuất vào thời điểm này. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn về giấy đi đường để tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm cua giống ở địa phương. Ngoài ra sẽ chủ động tìm kếm, kết nối thị trường, tìm đầu ra cho con giống để bà con yên tâm sản xuất”.
Toàn huyện Ngọc Hiển có gần 200 hộ dân chuyên ươm, gièo cua giống, mỗi năm xuất trại trung bình khoảng từ 5 – 6 tỷ con giống cung ứng cho thị trường. Với lượng cua giống xuất được không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong huyện mà còn xuất bán ra ngoài tỉnh. Mong mỏi lớn nhất của bà con ngay lúc này là dịch bệnh sớm qua đi để người dân yên tâm, khôi phục sản xuất, đưa hoạt động sản xuất con giống trở về vị thế vốn có./.