Cua rớt giá, ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế của người dân
Gắn bó với mảnh vuông đã hơn 10 năm nay nhưng theo ông Huỳnh Văn Lộc, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân thì chưa bao giờ con tôm, con cua lại mất giá như bây giờ. Ông Lộc cho biết, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá tôm, cua liên tục giảm. Nếu như trước đây, tôm sú loại 20 con/kg có giá khoảng 300.000 – 320.000 đồng thì hiện tại còn ở mức khoảng 160.000 đồng/kg. Giá cua gạch son hiện tại chỉ còn ở mức 300.000 – 350.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với thời điểm trước. Tôm, cua giảm giá sâu, thêm sản lượng thu hoạch lại thấp khiến kinh tế gia đình ông Lộc rơi vào cảnh khó khăn. Thời gian này, ông Lộc phải đi làm thuê, làm mướn đủ nghề để kiếm thêm thu nhập trang trải chi tiêu cho gia đình.
Ông Lộc bộc bạch: “Từ hồi Tết tới giờ là tôm với cua rớt giá liên tục. Lúc trước có sụt giá cũng lên, xuống hai ba chục ngàn. Có đợt này dịch bệnh giá sụt lâu lắm rồi mà chưa lên lại. Vì tình hình chung nên bà con mình phải gáng thôi”.
Còn đối với gia đình bà Phan Cẩm Tú, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân thì liên tiếp những con nước gần đây thu nhập không được bao nhiêu bởi tôm, cua rớt giá mà lượng thu hoạch thì không nhiều. Bà Tú cho biết, với 08 ha đất vuông, trước đây, trung bình mỗi con nước gia đình bà thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng nhưng những con nước gần đây thu nhập trung bình chỉ từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Thêm vào đó, phải tốn thêm chi phí thả con giống nuôi lấp vụ nên kinh tế gia đình bà càng chật vật hơn. Bà Tú chia sẽ: “Trước mắt mình vẫn thả nuôi thêm để có thu hoạch dài dài chứ bây giờ không thả thì mai mốt hết dịch, giá tăng trở lại mình đâu có tôm với cua để bán”.
Cùng với nỗi lo con tôm, cua rớt giá mạnh, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện còn sợ không có thương lái thu mua khi đến thời điểm thu hoạch. Được biết, thị trường tiêu thụ tôm, cua thương phẩm chủ yếu là nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ thời điểm Tết Nguyên đán 2020 đến nay, việc xuất khẩu mặt hàng tôm, cua gặp nhiều trở ngại, đầu ra không ổn định nên việc thu mua tôm nguyên liệu cũng bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng giá cả giảm mạnh, thiếu ổn định, nhiều bà con nông dân nuôi tôm, cua trên địa bàn huyện chọn giải pháp không thu hoạch mà nuôi cầm chừng chờ giá cả ổn định trở lại. Đồng thời cũng thả thêm giống lấp vụ để nuôi, quyết tâm duy trì nghề truyền thống.
Toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 23.000 ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm, cua, cá,… với nhiều hình thức kết hợp dưới tán rừng. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người dân về kiến thức, con giống, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm,… để việc nuôi trồng đạt hiệu quả cao nhất, giúp bà con được làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, ngành chức năng khuyến cáo bà con trên địa bàn huyện nên bình tĩnh, làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, cải tạo ao đầm để thả giống theo lịch thời vụ. Bởi, dịch bệnh rồi sẽ qua, việc xuất khẩu sẽ trở lại bình thường và khả năng giá tôm, cua sẽ tăng trở lại./.