Đến nay, huyện Ngọc Hiển có diện tích đất lâm nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản là 53.065ha với 11.379 hộ sản xuất, trong đó nuôi sinh thái 20.000 ha; Tổ chức Quốc tế chứng nhận 9.311 ha với 1.821 hộ. Đã qua, mô hình nuôi tôm sinh thái đạt hiệu quả, năng suất đạt bình quân khoảng 200 – 220 kg/ha/năm tăng 20 – 40 kg/ha/năm so với 2021. Thời gian qua, huyện Ngọc Hiển luôn kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm liên kết với các hộ nuôi tôm sinh thái trên địa bàn nhằm bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, nâng cao giá trị kinh tế.
Toàn cảnh hội thảo
Hiện nay trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 03 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia phát triển nuôi tôm sinh thái gồm Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú; Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Camimex Cà Mau và Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Seaprimexco Năm Căn. Các công ty thu mua tôm sú của hộ dân theo giá thị trường và có chính sách hỗ trợ dành riêng cho các hộ đạt chứng nhận quốc tế nhằm tăng lợi nhuận tạo động lực cho hộ dân phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận thực trạng giá tôm sinh thái hiện nay thu mua còn thấp người dân chưa hưởng lợi nhiều. Các chính sách hỗ trợ kèm theo trong dịch vụ chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được đồng bộ, hộ nuôi tôm sinh thái kiến nghị đến các đơn vị thu mua cần bao tiêu sản phẩm, thu mua giá tôm sinh thái cao hơn thị trường từ 3.000 đồng trở lên. Mô hình nuôi tôm sinh thái rất cần sự tham gia của Nhà nông, Nhà nước nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Ngân hàng…
Theo Th.s Lâm Thái Xuyên, Doanh nghiệp Xã hội Minh Phú cho biết, ngày 26 tháng 5 năm 2021 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là đơn vị sở hữu vùng nuôi tôm sinh thái hữu cơ trong khu vực rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam, với diện tích 9.722 ha, cùng với 2.010 hộ nông dân. Với huyện Ngọc Hiển Minh Phú đã xây dựng được 3 nơi trọng điểm về nuôi tôm sinh thái gồm xã Viên An, Viên An Đông và thị trấn Rạch Gốc với tổng diện tích 10.000 ha và hơn 2.000 hộ nông dân tham gia. Các tổ chức chứng nhận tôm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, Mangroves Shrimp và Seafood Watch Green.
Nhằm nâng cao giá trị gia tăng về con tôm sinh thái Minh Phú cũng đề xuất UBND huyện Ngọc Hiển cần có những giải pháp phát triển du lịch đối với vùng nuôi tôm sinh thái gắn liền với các sản phẩm đặc trưng của địa phương như nghề ba khía muối, trải nghiệm du lịch về xổ vuông, trải nghiệm sinh thái… Minh Phú sẽ làm cầu nối kết nối với các đoàn du khách Quốc tế đến tham quan. Mục tiêu nhằm quảng bá, giới thiệu về vùng đất Ngọc Hiển- Cà Mau và giá trị con tôm sinh thái.
Hộ dân phấn khởi sau vụ thu hoạch tôm sinh thái
Theo ông Bùi Văn Sĩ, hộ nuôi tôm sinh thái ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông chia sẽ, gia đình bắt đầu nuôi tôm sinh thái năm 2017, mỗi năm nuôi sinh thái thu nhập trên 230 triệu đồng (khoảng 6 ha). Việc phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái là chủ trương hợp lòng dân, bởi hộ tham gia vào mô hình nuôi tôm sinh thái được hưởng lợi rất nhiều về năng suất tôm nuôi đạt cao, môi trường nước nuôi tôm hạn chế được ô nhiễm. Bản thân tôi mong rằng đơn vị thu mua Minh Phú cần hỗ trợ giá thu mua cao hơn giá thị trường. Bởi hiện nay giá tôm sú sinh thái hiện nay được thu mua vẫn ngang bằng giá thị trường người dân chưa hưởng lợi về giá theo ký kết ban đầu.
Để được chứng nhận về diện tích nuôi tôm sinh thái, hộ dân cần tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình nuôi phải ghi chép đầy đủ, con giống phải đạt chứng nhận sinh thái; môi trường nuôi phải sạch, đảm bảo diện tích rừng che phủ 40%.
Ông Võ Minh Hỗ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây cho biết, diện tích nuôi tôm sinh thái trên địa bàn xã là 1.250 ha với 13 Tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái. UBND xã luôn tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp chế biến thủy sản, các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ phát triển nuôi và thu mua tôm sinh thái. Để nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm sinh thái thời gian tới người dân cần được hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm tôm sinh thái, hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá.
Mô hình nuôi tôm sinh thái là bước đột phá và còn là định hướng quan trọng của Huyện ủy, UBND huyện để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm trên địa bàn. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm sinh thái trên địa bàn huyện Ngọc Hiển vẫn còn những khó khăn nhất định, cần sự hỗ trợ liên kết hỗ trợ từ các ngành chuyên môn để những hộ nuôi tôm sinh thái được hưởng lợi về kinh tế con tôm sinh thái là chia sẽ của ông Lâm Sỹ Em, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc.
Đồng chí Phạm Chí Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngọc Hiển khẳng định, hội thảo nuôi tôm sinh thái là mục tiêu quan trọng để hướng đến nuôi tôm bền vững, tăng năng suất, lợi nhuận cho hộ nuôi tôm trên địa bàn. Do vậy, các tổ chức, doanh nghiệp hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển cần phối hợp chặt chẽ để tạo được vùng nuôi an toàn trên toàn huyện; Ngọc Hiển phấn đấu năm 2025 tất cả diện tích nuôi tôm rừng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển được các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn nuôi tôm sinh thái.
Theo ông Nguyễn Anh Duy, Cán bộ điều phối WWF (tổ chức phi lợi nhuận Chính phủ) cho rằng, tới đây đơn vị sẽ tiến hành thực nghiệm khoảng 100 ha nuôi tôm sinh thái. Tới đây, đơn vị sẽ tách bạch về việc chi trả giá thu mua tôm sú sinh thái và dịch vụ rừng cho hộ dân, để đảm bảo quyền lợi cho hộ dân an tâm phát triển mô hình kinh tế chủ lực của huyện Ngọc Hiển.
Ông Đoàn Hữu Nghị, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau chia sẽ, việc phân phối lợi ích về nuôi tôm sinh thái chưa rõ ràng, chưa kích thích hộ dân phát triển mô hình. Cụ thể hơn đối với những hộ trực tiếp nuôi tôm sinh thái hưởng lợi rất thấp khoảng 0,8%; riêng đối với Công ty thu mua họ bỏ ra rất ít nhưng lợi nhuận hơn 54%. Do vậy, muốn để hộ nuôi tôm sinh thái hưởng lợi về lợi ích thì cần có sự hài hòa với nhau giữa người bán và người mua.
Đã qua, Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Seaprimexco Năm Căn cho rằng, với tôm sinh thái công ty chi trả mỗi 1kg tăng thêm từ 3.000 đồng, việc chi trả dịch vụ rừng được Công ty thực hiện tốt. Con giống cung cấp cho hộ nuôi tôm sinh thái trên địa bàn còn rất ít phải được các tổ chức chứng nhận nên ràng buộc hộ dân mua giống đúng địa chỉ.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẽ, tổng xuất khẩu tôm hằng năm của Cà Mau hiện xuýt sót trên 01 tỷ USD; tăng trưởng Ngành Nông nghiệp đóng góp 80%, nhưng ngành tôm trong tỉnh đã đóng góp đến 70%. Để diện tích nuôi tôm sinh thái huyện Ngọc Hiển đạt được những yêu cầu đề ra, cần có sự ràng buộc hợp đồng giữa đơn vị thu mua sản phẩm và hộ dân (hộ nuôi tôm sinh thái) thực hiện đúng quy định cam kết về môi trường, con giống, cây rừng; giá trị hưởng lợi từ các đơn vị thu mua sản phẩm hỗ trợ cho người dân. Ngọc Hiển cần xây dựng vùng quy hoạch nuôi tôm sinh thái bền vững; cần nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất con tôm giống. Thực hiện tốt trồng và bảo vệ cây rừng, bảo vệ môi trường để góp phần ổn định sản xuất, nâng cao mức sống hộ dân sinh sống dưới tán rừng.
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc nhìn nhận, Hội thảo mô hình nuôi tôm sinh thái nhằm chia sẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực nuôi tôm sinh thái; UBND huyện tới đây sẽ kết nối với các Công ty sản xuất giống an toàn, đơn vị thu mua sản phẩm tôm sinh thái và hộ dân để có những giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững, hướng đến vùng nuôi xanh, an toàn… Tạo thuận lợi nhất để người dân hưởng lợi về giá trị tăng thêm về giá tôm sinh thái. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất đối với các đơn vị thu mua tôm sinh thái cần chia sẽ lợi nhuận cho hộ nuôi tôm sinh thái, đảm bảo hài hòa giữa nhà cung cấp và nhà tiêu thụ sản phẩm.
Đây là cơ hội để hộ nuôi sinh thái có dịp gặp gỡ, trao đổi về nuôi tôm sinh thái, nhằm giúp người dân tăng thu nhập nâng cao đời sống. Và nuôi tôm sinh thái được xem là mô hình bền vững, hướng đi tích cực nhất trong tương lai./.