Huyện Ngọc Hiển: Đánh giá tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn
Huyện Ngọc Hiển có lợi thế về diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hơn 23.000 héc ta, trong thời gian qua mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm hai giai đoạn, cua hai giai đoạn có áp dụng khoa học, kỹ thuật năng suất tôm nuôi ổn định, mỗi héc ta đạt khoảng 230kg/năm, tôm thương phẩm tăng hơn 20kg so với nuôi tôm truyền thống, cua nuôi đạt khá. Kết hợp với nuôi tôm, cua hộ dân còn tiến hành nuôi xen canh các loài nhuyễn thể như: sò huyết, vọp, ốc len, nuôi cá nâu thương phẩm... thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm. Trên bờ bao vuông nuôi tôm nhiều hộ dân còn trồng các loại hoa màu, cây ăn trái thu nhập hơn 20 triệu đồng/vụ. Về sản xuất OCOP, tính đến nay huyện đã có 21 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Toàn cảnh hội nghị
Cùng với những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu đã có những thảo luận, đóng góp về các mô hình sản xuất hiện nay dù phát huy được tiềm năng lợi thế, nhưng thiếu tính bền vững do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hộ dân còn nuôi thủy sản theo kiểu truyền thống nên dịch bệnh còn xảy ra, giá cả thị trường luôn biến động. Lĩnh vực khai thác thủy sản, còn nhiều phương tiện khai thác ven bờ, khai thác kiểu tận diệt nên ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản; công tác chuyển đổi ngành, nghề còn gặp khó, do hộ dân thiếu vốn để đầu tư tàu đánh bắt...
Để phát huy hiệu quả về kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc nhấn mạnh năm 2024, huyện sẽ tập trung đột phá lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững; khuyến khích hộ dân liên kết sản xuất, tạo ra các sản phẩm ổn định từ đầu vào đến đầu ra đảm bảo cung ứng thị trường, tập trung cho người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật; ngành chuyên môn huyện tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sổ tay về các mô hình sản xuất nuôi tôm, cua hai giai đoạn để nhân dân áp dụng, tạo động lực cho kinh tế hộ dân phát triển, huyện Ngọc Hiển sớm về đích huyện nông thôn mới./.
Chí Hiểu