Là thành viên của Tổ tiết kiệm và Vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều năm nay, gia đình chị Vũ Nguyễn Mỹ Linh, khóm 8, thị trấn Rạch Gốc đã hình thành thói quen định kỳ gửi tiền tiết kiệm. Chị Linh tâm sự: “Trước đây gia đình khó khăn, thiếu vốn mở rộng kinh doanh nên gia đình đã vay vốn để đầu tư. Bản thân cứ nghĩ gia đình mình còn khó khăn, phải vay vốn sản xuất thì lấy đâu ra tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, từ khi được vận động tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của khóm tôi mới hiểu càng khó khăn càng phải để dành tiền, có ít thì gửi ít, có nhiều gởi nhiều thì mới “tích tiểu thành đại”.
Nguồn vốn ưu đãi giúp người dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập
Cùng với chị Linh, với ý thức dành dụm và tích lũy, đến nay, 44 tổ viên tổ TK&VV khóm 8, thị trấn Rạch Gốc đã tham gia hình thức này với tổng số dư tiền gửi tiết kiệm đến nay lên đến hàng trăm triệu đồng. Ông Đặng Văn Xứng, Tổ trưởng Tổ TK&VV khóm 8, thị trấn Rạch Gốc cho biết: “Ngoài mục đích cho vay, Tổ còn giúp tổ viên có thói quen tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có. Hằng tháng, tất cả tổ viên đều gửi tiết kiệm qua tổ, số tiền gởi tùy theo thu nhập của hộ dân. Hộ thấp nhất là 10.000 đồng/tháng, mức trung bình là 300.000 đồng/tháng, cao nhất có hộ gởi lên đến 700.000 đồng/tháng. Từ đó, các tổ viên có một khoản tiết kiệm, những lúc khó khăn có thể rút hoặc chuyển sang trả lãi, trả gốc cho các khoản vay”.
Ông Đàm Văn Trọng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện thông tin: “Trước đây, nhận thức của người dân với Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ là vay và rất ít người biết đến gửi tiết kiệm. Điều này khiến việc thu hút nguồn vốn gửi tiết kiệm có phần hạn chế. Nhằm thay đổi nhận thức này, việc huy động tiền gửi tiết kiệm đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội triển khai đến từng hộ. Hiện nay, huy động vốn của Ngân hàng không ngừng tăng qua các năm, góp phần không nhỏ vào việc tăng lượng vốn lưu động của ngân hàng, hạn chế phụ thuộc vào phân bổ từ cấp trên”.
Việc huy động vốn của phòng giao dịch được thực hiện qua 2 hình thức là huy động tiền gửi qua tổ tiết kiệm và vay vốn và huy động từ các tổ chức, dân cư. Các địa phương trong huyện, nhất là các tổ chức, Hội đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ TK&VV đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tại các buổi họp ấp, khóm, sinh hoạt tổ, Hội. Với số tiền gửi linh hoạt, tùy theo khả năng tài chính từng tháng của người gửi. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện tương đương với mức lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nên ngày càng thu hút nhiều người dân tham gia.
Huyện Ngọc Hiển hiện có 229 tổ TK&VV, 100% tổ thực hiện tốt việc huy động gửi tiết kiệm hàng tháng. Tổng số tiền huy động tiết kiệm thông qua tổ hơn 14,7 tỷ đồng, bình quân hộ vay vốn gửi gần 1,4 triệu đồng. Nhờ có nguồn tiền tiết kiệm này, việc người dân trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn tăng theo từng năm, tỷ lệ thu lãi luôn đạt 100% kế hoạch.
Với phương châm “Tích tiểu thành đại”, hướng đến đối tượng khách hàng thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo... việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân tuy đã giúp NHCSXH tỉnh chủ động hơn về nguồn vốn để giúp hàng nghìn lượt khách hàng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận thêm nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đồng thời đáp ứng được nhu cầu và tạo thói quen tiết kiệm tích lũy cho người dân, mang lại lợi ích kép “vừa ích nước, vừa lợi nhà”./.