Nuôi tôm sinh thái mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện
Qua một năm nhìn lại vùng chuyên nuôi tôm của huyện Ngọc Hiển mới thấy được bao niềm tâm trạng của những hộ dân đã mấy mươi năm gắn bó với con tôm, cây đước. Biết bao niềm vui cũng như những trăn trở về con tôm, nhưng chuyện làm giàu từ mô hình nuôi tôm sinh thái là một phấn khởi của nhiều nông dân của huyện Ngọc Hiển. Bởi hầu hết những hộ dân trên địa bàn huyện áp dụng mô hình này điều đạt năng suất và cho thu nhập cao.
Huyện Ngọc Hiển là địa phương có thế mạnh về nuôi sinh thái với 23.000 héc ta mặt nước, chủ lực là tôm sú, đã qua tôm thẻ chân trắng liên tục bị rớt giá, tôm chết khiến người nuôi gặp khó khăn có những lúc lỗ vốn; nhưng với tôm sú giá luôn giữ mức ổn định. Đây là lợi thế để nông dân phát triển kinh tế, tập trung nuôi tôm sú đạt hiệu quả. Định hướng của Huyện ủy Ngọc Hiển về nuôi tôm sinh thái luôn tạo ra thế mạnh, hiệu quả của nghề nuôi thủy sản bền vững, hướng đến mặt hàng tôm sú có giá trị xuất khẩu. Đến 2020, huyện Ngọc Hiển sẽ phát triển được 18.810 héc ta nuôi sinh thái đạt theo các tiêu chuẩn quốc tế, mỗi năm cung cấp thị trường xuất khẩu khoảng 30.000 tấn tôm sú thương phẩm.
Đến nay, toàn huyện đã có 3.500 hộ đăng ký thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, khoảng 16.000 héc ta, đã được thế giới chứng nhận đạt chuẩn gần 8.000 héc ta, với 1.500 hộ. Qua kết quả nuôi sinh thái cho thấy, tính ổn định và bền vững về kinh tế rất cao. Mô hình nuôi tôm sinh thái còn giữ được thế cân bằng của môi trường tự nhiên, hạn chế được tình trạng thất vụ.
Có dịp trao đổi với ông Nguyễn Văn Cơ, ấp Cây Phước, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển mới thấy được sự chuyển biến tích cực từ mô hình nuôi tôm sinh thái mang lại, theo ông Cơ, qua một năm sản xuất và so sánh lại thì mô hình nuôi tôm sinh thái đạt sản lượng cao gần gấp đôi so với nuôi tôm truyền thống. Cụ thể năm 2019 với diện tích 13 héc ta mặt nước nuôi tôm, nhờ áp dụng theo quy trình nuôi tôm sinh thái, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi trên 500 triệu đồng, trước đây thu nhập chưa đến 300 triệu đồng/năm”.
Phần lớn những hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển rất phấn khởi đối với mô hình nuôi tôm sinh thái, bởi nuôi tôm sinh thái không những nâng cao hiệu quả kinh tế, sản lượng tôm nuôi mà hầu hết các đối tượng nuôi thủy sản khác (sò huyết, vọp, cua, cá ) trong vuông điều phát triển tốt, thu nhập cao. Nuôi tôm sinh thái là mô hình phát triển kinh tế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Tăng Thiện Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển chia sẻ, nuôi tôm sinh thái nhằm giúp người dân nâng cao năng lực trình độ nuôi tôm, góp phần tăng sản lượng thu hoạch thủy sản, tăng cường công tác bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái môi trường tự nhiên. Đã qua, nuôi tôm sinh thái hiệu quả chuyển biến rõ rệt, hộ nuôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đúng khuyến cáo về cách chọn con giống, thả giống đúng thời vụ sẽ đạt năng suất cao. Thường nuôi tôm sinh thái năng suất đạt 200 kg/héc ta, tăng 30 kg so với nuôi đại trà.
Ông Trịnh Hoàng Phi, ấp Cây Phướng, xã Viên An Đông cho biết “Nuôi tôm sinh thái không khó lắm, phải xử lý nước cho sạch, chọn con giống tốt sẽ thành công. Với 5 héc ta diện tích nuôi tôm sinh thái, năm 2019 sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm sinh thái không tốn thức ăn, giảm chi phí đầu vào đem lại lợi nhuận cao cho hộ nuôi”.
Với việc phát triển diện tích nuôi sinh thái, những năm qua huyện Ngọc Hiển tổ chức được 30 lớp tập huấn nuôi tôm sinh thái, 02 cuộc hội thảo về tiêu tuẩn, bảo vệ môi trường sinh thái cho 1.000 hộ dân. Qua đó, huyện Ngọc Hiển huy động vốn đầu tư dự án nuôi sinh thái trên địa bàn huyện gần 27 tỷ đồng. Trong đó: Dự án phục hồi rừng ngập mặn 11,2 tỷ đồng; thủy lợi phí 10,6 tỷ, huy động vốn doanh nghiệp 3,6 tỷ, còn lại là vốn ngân sách huyện.
Qua khảo sát của Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển đồng chí Quách Xuân Cận, đối với những hộ dân nuôi tôm sinh thái ở xã Tân Ân Tây, Viên An Đông, hầu hết bà con phấn khởi, bởi tôm nuôi trúng vụ, năng suất tôm nuôi tăng gấp đôi. Đời sống của bà con được nâng lên, hầu hết họ có thu nhập cao, đã thoát khỏi tình cảnh của nạn tôm chết kéo dài như những năm trước đây.
Đồng chí Quách Xuân Cận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển chia sẻ: nuôi sinh thái không những trúng tôm mà hầu hết các đối tượng nuôi thủy sản khác điều phát triển tốt. Đây là lợi thế để huyện Ngọc Hiển khẳng định được thế mạnh của nghề nuôi trồng thủy sản, liên kết với các doanh nghiệp, công ty để xuất khẩu mặt hàng tôm thương phẩm sang các thị trường nước ngoài.
Theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển, đã qua Hội Nông dân huyện còn thí điểm mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học cho 87 hộ dân trên địa bàn xã Viên An Đông, xã Tân Ân Tây đã đạt được kết quả rất phấn khởi. Hầu hết hộ nuôi đã đạt năng suất cao, trung bình khoảng 03 héc ta thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Quốc Khởi, ấp Đường Dây, xã Tân Ân Tây, hộ áp dụng quy trình nuôi tôm sinh thái kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học chia sẻ, năm nay gia đình phấn khởi lắm những năm trước nuôi tôm thất liên miên nhưng năm nay nhờ áp dụng quy trình nuôi tôm sinh thái kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học nên đạt năng suất rất cao. Với 03 héc ta mặt nước nuôi tôm năm nay gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng.
Theo ông Tăng Thiện Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển cho biết, nuôi tôm sinh thái sử dụng chế phẩm sinh học cũng giống như nuôi tôm sinh thái, điều không sử dụng thức ăn, hóa chất. Đối với chế phẩm sinh học sẽ góp phần phân hũy các chất cặn bả, lá cây thành những chất hữu cơ làm thức ăn cho các loại thủy sản.
Đến nay, năng suất nuôi sinh thái của huyện Ngọc Hiển đạt khoảng 220 - 250 kg/héc ta. Với việc phát triển mô hình nuôi sinh thái là mục tiêu quan trọng để Ngọc Hiển xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tôm sinh thái sang các nước EU, Mỹ, nhằm tăng sức cạnh tranh sản phẩm, giảm nguy cơ rủi ro về giá cả bị sụt giảm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, ấp Nhưng Miên, xã Viên An Đông, mô hình sinh thái là mô hình lý tưởng, ông chia sẻ: “Thời tiết hiện nay diễn biến khó lường, chúng ta phải tìm ra những mô hình thích ứng, nuôi sinh thái là mô hình bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi tôm, tăng năng suất của tôm khá cao, tôi đồng tình với mô hình này. Năm qua, tôi áp dụng nuôi sinh thái đã có chuyển biến rõ rệt, năng suất tăng lên 40 kg/héc ta so với nuôi truyền thống”.
Ông Lương Quỳnh Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Viên An Đông chia sẻ: Đến cuối năm 2019 xã Viên An Đông có 1.056 hộ được quốc tế chứng nhận nuôi tôm sinh thái, diện tích 5.000 héc ta. Hiện Công ty CP Minh Phú Cà Mau đã thu mua tôm sinh thái trên địa bàn với giá thành tôm cao hơn giá thị trường 10.000 đồng/kg, tạo phấn khởi cho hộ nuôi tôm.
Cũng theo ông Hảo, trên địa bàn xã Viên An Đông hiện có 18 tổ nuôi tôm sinh thái với 238 xã viên, có 02 HTX (HTX Đồng Đại Lợi chuyên sản xuất con giống được Công ty Minh Phú chứng nhận đạt chuẩn sinh thái, HTX Đồng Phát Đạt chuyên nuôi trồng thủy sản), hiện xã đang tiếp tục thành lập thêm HTX nuôi trồng thủy sản ấp Kinh Ba chuyên cung cấp chế phẩm sinh học. Đây là một lợi thế để xã Viên An Đông khẳng định được thế mạnh của chuyên nuôi tôm sinh thái trên địa bàn
Nuôi sinh thái đòi hỏi quá trình nghiêm ngặt từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, từ con giống phải đảm bảo sạch bệnh, quá trình nuôi phải ghi chép đúng kỹ thuật, mặt nước nuôi tôm và diện tích rừng phải đảm bảo tỷ lệ 7 rừng, 3 tôm. Khi hộ dân đăng ký thì ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra, nếu đạt chuẩn sẽ được công nhận nuôi sinh thái. Đây là mục tiêu tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ giữa việc cung cấp con giống sạch đến vùng nuôi sạch, tôm thương phẩm xuất đạt các yêu cầu của thị trường khó tính của nước ngoài.
Theo ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, huyện Ngọc Hiển có thế mạnh và chủ lực về con tôm sú, huyện sẽ tăng cường các giải pháp thực hiện đề án nuôi tôm sinh thái theo hướng nâng cao năng suất, tăng giá trị cho con tôm nguyên liệu của huyện; hình thành làng nghề sản xuất tôm sú giống sinh thái, đảm bảo cung cấp lượng giống mỗi năm 4-5 tỷ con phục vụ hộ nuôi tôm trên địa bàn, vừa có vùng nuôi tôm sạch bệnh, môi trường nuôi tôm an toàn, nhằm tạo được sức cạnh tranh con tôm thương phẩm (tôm sú) đặc trưng của vùng ngập mặn trên trường quốc tế./.