Trồng dây thuốc cá mang lại thu nhập cao cho người dân
Là người đi đầu trồng dây thuốc cá tại địa phương, ông Việt cho biết so với các sản phẩm thuốc cá công nghiệp trên thị trường thì dây thuốc cá có ưu điểm hơn, khi loại bỏ được cá tạp, xử lý chất gây hại trong vuông nuôi, làm sạch môi trường và tăng cường kích thích giúp cho tôm mau lột vỏ, tăng trưởng nhanh. Hiện ông Việt trồng hơn 800 bụi dây thuốc cá với diện tích 2.000m2, trung bình mỗi tháng ông bán ra thị trường khoảng 100kg dây thuốc cá với giá bán từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg mang lại thu nhập từ 05 đến 06 triệu đồng giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Ông: Sầm Quốc Việt chia sẻ, ở huyện Ngọc Hiển dù đất mặn nhưng rất thích hợp để trồng dây thuốc cá, chỉ cần 1.000 mét vuông đất trồng dây thuốc cá sẽ cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Thường dây thuốc cá trồng sau 03 năm sẽ cho thu hoạch, mỗi bụi dây thuốc cá cho rễ từ 02 đến 03 kg. Trồng dây thuốc cá hạn chế được cỏ dại mọc trên bờ vuông nuôi tôm.
Theo kinh nghiệm của ông Việt dây thuốc cá là loại dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều và thích hợp với vùng đất mặn, giá cây giống thấp nên những hộ nuôi tôm có thể tận dụng diện tích trống phát triển mô hình. Để dây thuốc cá sinh trưởng tốt người trồng cần xới đất để giảm độ cứng của đất, vào tháng 6 âm lịch thì xuống giống giai đoạn này thích hợp cho dây thuốc cá lớn nhanh đạt năng suất.
Ông: Sầm Quốc Việt, ấp Bà Khuê, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển cho rằng, mô hình trồng dây thuốc cá không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần có nước mưa chúng sẽ phát triển. Giai đoạn năm đầu bổ sung nước các năm sau không cần chăm sóc. Chỉ cần mặt tiền bờ bao vuông nuôi tôm trồng 10 công dây thuốc cá thu nhập trên 500 triệu đồng.
Hiện nay nhu cầu sử dụng dây thuốc cá của người dân rất lớn, đặc biệt vào mùa cải tạo vuông hộ nuôi thường dùng dây thuốc cá để loại bỏ cá tạp giúp tôm lớn nhanh. Vì vậy dây thuốc cá bán rất chạy, lượng cung không đủ cầu và giá cả được nâng lên hơn trước. Đối với những hộ có diện tích ít vẫn có thể thực hiện mô hình trồng dây thuốc cá nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình nuôi tôm.
Ông Tô Văn Sịn, Chủ tịch Hội nông dân xã Viên An, huyện Ngọc Hiển cho biết, với những hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển nuôi thủy sản mỗi năm tiền mua thuốc cá trên 15 triệu đồng. Việc trồng dây thuốc cá có thể giúp gia đình diệt cá tạp, cải tạo vuông, thả con giống giảm được phần chi phí mua thuốc. Nhận thấy mô hình trồng dây thuốc cá mang lại thu nhập cao, Hội nông dân xã Viên An tiếp tục phát động trong hội viên tận dụng đất trống trồng dây thuốc cá để phát triển kinh tế. Việc phát triển mô hình trồng dây thuốc cá mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân góp phần đa dạng giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu./.