Mô hình trồng dừa của bà Nguyện Thị Điệp, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình
Bà Nguyễn Thị Điệp, ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển là người bén duyên với mô hình trồng dừa. Xuất thân từ gia đình thuần nông nên bà Điệp hiểu được đặc tính của cây dừa có thể phát triển trên vùng đất mặn, sống lâu năm và ít tốn công chăm sóc hơn những loại cây khác. Đối với Ngọc Hiển là vùng đất phèn mặn nên việc trồng các loại cây ăn trái sẽ không mang lại hiệu quả, vì thế, bà Điệp đã mua hơn 250 gốc dừa xiêm lùn để trồng với diện tích 06 ha. Sau 04 năm mô hình dừa của bà Điệp phát triển tốt, mỗi gốc dừa cho ra 150 quả dừa/năm dù trồng trên đất mặn nhưng nước rất ngọt nên được nhiều người ưa chuộng.
Bà Nguyễn Thị Điệp, Ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, Huyện Ngọc Hiển cho biết “ban đầu tôi nghĩ trồng dừa để cho gia đình lấy nước uống nhưng 03 năm trồng cây phát triển tốt và cho nhiều trái so với các loại cây trồng khác thì trồng dừa hiệu quả hơn. Thời gian tới tôi sẽ lên liếp để trồng thêm dừa và ươm dừa giống bán cho khách hàng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Theo những hộ trồng dừa thường chọn dừa xiêm lùn bởi loại này dễ trồng, khoảng 03 năm có thể thu hoạch, tuổi thọ kéo dài vài chục năm. Các hộ trồng dừa thường xuống giống từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch vì thời điểm mùa mưa sẽ giúp cây con nhanh bén rễ, sớm sinh trưởng và phát triển. Để mô hình dừa phát triển bền vững và đem lại kinh tế cho gia đình, những hộ trồng dừa cần áp dụng kỹ thuật để phòng ngừa sâu bệnh, dọn sạch tán dừa và bón phân để dừa sinh trưởng tốt. Vào mùa nắng nên tưới nước để dừa không bị héo lá và tạo ra những quả dừa to.
Ông Nguyễn Văn Suốt, Ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, Huyện Ngọc Hiển chia sẽ “Để dừa không bị héo lá vào mùa nắng, người trồng nên đào rãnh chứa nước để cung cấp lượng nước cho rễ dừa và theo dõi sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu bệnh, tước lá để dừa sinh trưởng tốt hơn. Đặc biệt khoảng cách mỗi cây dừa khoảng 06 đến 07 mét để đảm bảo độ rộng cho tán dừa phát triển”.
So về mặt kinh tế thì cây dừa sẽ có giá trị cao hơn một số cây trồng khác, mỗi năm dừa cho trái 04 đợt, mỗi buồng dừa được bán với giá khoảng 100.000 ngàn đồng. Dừa tươi rất được thị trường ưa chuộng nên bán chạy quanh năm. Mỗi năm hộ dân thu nhập vài chục triệu đồng đem lại kinh tế khá cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nói “Hiện nay giá trị của cây dừa mang lại khá cao, dừa lại thích hợp với vùng đất mặn nên những hộ dân có bờ bao vuông tôm và đất rộng có thể thực hiện mô hình này để phát triển kinh tế của người dân. Việc phát triển mô hình trồng dừa cũng cần sự hỗ trợ kỹ thuật của các ngành chức năng để nâng cao năng suất, chất lượng của dừa”.
Việc phát triển những cây trồng mới thích ứng với hạn mặn và mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ giúp người nông dân có thêm hướng đi mới trong sản xuất. Hy vọng mô hình trồng dừa trên đất mặn sẽ tạo ra cơ hội làm giàu cho người dân Ngọc Hiển./.