Là thị trấn của huyện nhưng thời gian trước đây, Rạch Gốc có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân còn lắm gian nan, thiếu thốn. Tìm lối thoát nghèo căn cơ, bền vững là bài toán khó đối với chính quyền địa phương. Mới đây, khi chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn liền với giảm nghèo bền vững được triển khai mạnh mẽ, Rạch Gốc được ưu tiên hàng tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để tạo sinh kế, giúp dân giải quyết việc làm, chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập. Khó khăn được tháo gỡ, Rạch Gốc đã giảm hộ nghèo, số hộ khá và giàu cũng nhiều lên.
Gia đình chị Trần Thị Lanh, khóm 6, thị trấn Rạch Gốc từng là một trong những hộ khó thoát nghèo của khóm. Do không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, nhà lại đông nhân khẩu, thu nhập từ chiếc ghe nhỏ làm nghề cào bắt ốc không đủ trang trải sinh hoạt khiến cuộc sống gia đình chị khó khăn, nợ nần chồng chất. Để tạo điều kiện cho gia đình vươn lên, địa phương đã hỗ trợ chị vay 50 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách. Nhận được vốn, chị Lanh sửa chữa, nâng cấp chiếc ghe lớn hơn, chắc chắn hơn và trang bị thêm ngư lưới cụ tiếp tục vươn khơi. Khi có vốn trợ lực, phương tiện được nâng cấp, sản lượng khai thác tăng lên đáng kể, mỗi ngày, gia đình chị cào trung bình khoảng 200kg ốc các loại, thu nhập hơn 10 triệu đồng, trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu về từ 5 đến 7 triệu đồng/ngày.
Chị Lanh tâm sự: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà gia đình chị có vốn làm ăn. Lãi suất vay thấp, nợ được chia nhỏ, trả phân kỳ nên gia đình yên tâm vươn lên. Giờ cuộc sống đã khá hơn, nợ trả cũng gần hết nên mừng lắm”.
Nhờ nguồn vốn trợ lực, gia đình chị Lanh phát triển nghề cào ốc, mang lại thu nhập cho gia đình
Cũng như chị Lanh, trước đây, hoàn cảnh gia đình chị Ngô Cẩm Tú, khóm 6, thị trấn Rạch Gốc cũng thiếu trước hụt sau. Do thiếu vốn sắm sửa phương tiện khai thác nên chồng và 2 người con trai của chị phải làm thuê cho các chủ ghe đóng đáy trên địa bàn để kiếm sống. Không đầu hàng trước cái khó, chị Tú đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm, chị đã đầu tư mua phương tiện và ngư lưới cụ để làm nghề cào và lưới ghẹ. Sau gần 3 năm bám biển, kinh tế gia đình chị phát triển, có nguồn thu nhập ổn định. Mong muốn thoát nghèo bền vững và vươn lên khá giàu, đầu năm nay, chị vay thêm 40 triệu đồng để tu bổ, nâng cấp ghe và mua thêm ngư lưới cụ. Từ khi nâng cấp phương tiện, chị Tú thuê thêm 3 lao động để cùng gia đình vươn khơi khai thác. Nhờ đó, mấy tháng nay, thu nhập gia đình chị tăng lên đáng kể, trung bình mỗi tháng từ 70 – 80 triệu đồng.
Chị Tú bộc bạch: “Nhờ có nguồn vốn mà gia đình tôi thoát khỏi cảnh cơ cực. Gia đình sẽ phấn đấu lao động, phát triển kinh tế hơn nữa để sớm hoàn vốn cho ngân hàng giúp những người nghèo khác được vay”.
Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển đang triển khai 18 chương trình cho vay. Dòng chảy vốn chính sách đã về đến hầu hết các ấp, khóm xa xôi trên địa bàn với tổng dư nợ lên đến hơn 442.000 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đắc lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, giúp nhiều gia đình đổi đời, thoát khỏi khó khăn, cơ cực, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng
Có thể thấy, trong bức tranh kinh tế sáng màu của Ngọc Hiển có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng chính sách. Mục tiêu thời gian tới, ngân hàng chính sách huyện sẽ cùng các cấp, các ngành đồng hành với quê hương, tạo đà để mảnh đất địa đầu cực Nam tổ quốc chuyển mình mạnh mẽ, phát triển kinh tế nhanh chóng, bảo đảm an sinh xã hội bền vững./.