Chúng tôi gặp ngư dân Huỳnh Văn Trải, ở ấp Ô Rô, xã Tân Ân khi anh vừa trở về sau chuyến biển dài hơn nửa tháng. Theo anh Trải, hơn 20 năm làm nghề lưới cá chim, không ít lần phải đối mặt với hiểm nguy ngoài biển khơi, có những thời khắc sinh mệnh “treo” ngọn sóng.
Theo anh Trải, không riêng nghề lưới cá chim mà đặc thù của lao động trên biển khá nặng nhọc và nguy hiểm bởi đa phần làm việc vào đêm tối, trong điều kiện sóng gió, trơn trượt. Từng chứng kiến rất nhiều bài học đau thương nên bản thân anh và thuyền viên đều nâng cao ý thức đảm bảo an toàn khi lao động. Trên tàu, anh trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình, máy định dạng thời tiết, áo phao, phao nổi, bình chữa cháy, tủ thuốc,… các thiết bị này đều được đặt tại các vị trí thuận tiện để có thể xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh, anh luôn nhắc nhở thuyền viên chú ý, đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, nhất là phải luôn mặc áo phao khi kéo, bủa lưới nhằm đề phòng sự cố, rủi ro bất ngờ.
Chiến sĩ Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Rạch Gốc trao cờ Tổ quốc, động viên ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng
Ông Lê Văn Hùng, khóm 4, thị trấn Rạch Gốc có hơn 10 năm làm tài công, cùng các ngư phủ khác lênh đênh trên biển để thu mua tôm sú mẹ. Ông Hùng nhận định, thời tiết những năm gần đây khá phức tạp, có khi trời đang nắng tốt chỉ vài phút sau là dông gió nổi lên, biển động mạnh. Do đó, trước mỗi chuyến ra khơi, ông thường theo dõi dự báo thời tiết, cẩn thận kiểm tra lại phương tiện, máy móc, các thiết bị, dụng cụ cứu hộ nhằm đảm bảo an toàn khi xuất bến.
Tại thị trấn Rạch Gốc, ngư dân đã liên kết với nhau thành lập và duy trì hoạt động tổ, đội tàu khai thác an toàn để những chuyến vươn khơi an toàn, hiệu quả. Trung tá Lê Thanh Sử, Chính trị viên Đồn Biên phòng thị trấn Rạch Gốc thông tin: “Hiện, địa phương có 01 tổ tàu thuyền an toàn, tập hợp 18 phương tiện với gần 90 ngư phủ tham gia. Thành viên trong tổ có tinh thần đoàn kết rất cao, thường xuyên thông tin với nhau về tình hình thời tiết, ngư trường đánh bắt, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn, sự cố trên biển”.
Ông Từ Văn Toàn, khóm 4, thị trấn Rạch Gốc là chủ đội an toàn với 7 phương tiện bám biển. Ông Toàn cho biết, đội tàu này đã trải qua hơn 10 năm hoạt động cùng nhau, dù có nhiều thăng trầm nhưng nhờ có đội tàu mà nhiều ngư dân có thể bám trụ với nghề đến ngày hôm nay.
“Đi đánh bắt xa bờ mà chỉ có một mình thì khá là khó khăn. Nhiều lúc thời tiết xấu, đau ốm hoặc gặp sự cố bất ngờ không biết nhờ ai giúp. Đi chung thì đỡ hơn, lỡ có việc thì chỉ cần gọi nhau một tiếng thì các tàu cá gần có thể hỗ trợ ứng cứu hoặc liên lạc với các đồn biên phòng nhanh hơn. Ngoài ra, trong những thời điểm khan hiếm bạn thuyền thì giữa các tàu có thể bù trừ, tương trợ lẫn nhau, nhờ đó giúp cho các tàu đều có thể vươn khơi, bám biển”, ông Toàn cho hay.
Toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 450 phương tiện khai thác, trong đó có 107 tàu xa bờ với hàng ngàn lao động bám biển. Cùng với việc tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn ngư dân các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, ngành chức năng huyện đã huy động nguồn lực để hỗ trợ ngư dân trang bị ngư lưới cụ, cờ Tổ quốc, các thiết bị liên lạc, dụng cụ cứu sinh,…
Ông Lê Hoài Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông tin: “Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tập huấn cho ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải, các phương pháp sơ cấp cứu y tế tại chỗ trên tàu cá, cũng như cách thức phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, vận động ngư dân thành lập nghiệp đoàn nghề cá nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản; bảo vệ lợi ích của lao động trong quá trình hành nghề trên biển, giúp họ đoàn kết lại thành một khối thống nhất trong mỗi chuyến ra khơi để hỗ trợ nhau trong khai thác và khi hoạn nạn. Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”./.