Từ con ba khía tươi, thay vì ướp bằng muối theo phương pháp truyền thống thì chị Võ Thị Đào, ấp Ông Trang, xã Viên An đã thử nghiệm đem đi ướp bằng nước mắm. Với cách chế biến này, ba khía không những giữ được chất lượng thịt, bảo quản được lâu mà hương vị còn đậm đà đặc trưng, hấp dẫn. Từ một vài đơn hàng nhỏ lẻ, hơn một năm qua, món ăn này đã trở thành món khoái khẩu của người dân địa phương và thực khách ở nhiều tỉnh thành trong nước.
Chia sẻ lý do bén duyên với nghề, chị Đào nói: “Ba khía muối Rạch Gốc nổi danh từ lâu. Để cạnh tranh với những cơ sở đã xây dựng được thương hiệu là chuyện không dễ dàng. Do đó, tôi đã tự mày mò, chế biến ba khía muối bằng nước mắm để dùng thử trong gia đình. Khi thấy sản phẩm mình làm ra đạt chất lượng, tôi giới thiệu cho bạn bè, anh em dùng thử và tăng cường đăng bán trên các trang mạng xã hội để tìm khách hàng. Hiện, món ăn này được khách ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang,… tiêu thụ mạnh”.
Mỗi tháng chị Đào cung cấp cho thị trường khoảng 200kg ba khía muối nước mắm
Để sản phẩm đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, chị Đào lựa chọn ba khía tươi sống, chắc thịt, con to để muối dù giá thành nguyên liệu có cao hơn. Theo chị Đào, các bước chế biến ba khía muối nước mắm cũng giống như ướp bằng muối, tuy nhiên, để ba khía chín thịt, thấm đều và vị vừa ăn thì cần thời gian ướp lâu hơn. Sau gần 10 ngày ướp thì có thể cung cấp sản phẩm cho khách hàng; giá bán dao động từ 220.000 – 270.000/kg. Trung bình mỗi tháng, chị Đào cung cấp cho thị trường khoảng 200kg ba khía muối nước mắm, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Chị Đào cho biết: “Với ba khía muối thông thường, để giảm độ mặn thì người dùng thường trộn thêm gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường,… để vừa khẩu vị. Riêng món ba khía muối nước mắm thì thực khách có thể xé ăn ngay bởi độ mặn ba khía vừa phải. Đậm đà nhất là nước cốt muối ba khía được sử dụng từ nước mắm ngon, nấu lên và nêm thêm một số gia vị khác nên mùi thơm và vị rất vừa ăn”.
Để sản phẩm mình làm ra được vươn xa hơn, có uy tín và thương hiệu trên thị trường, chị Đào đã và đang phấn đấu gắn sao OCOP cho sản phẩm. Khát khao khởi nghiệp từ sản phẩm mình làm ra, chị đã cẩn thận, tỉ mỉ trong lựa chọn nguyên liệu, gia vị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng khâu chế biến. Bởi theo chị: “Nghiêm túc với nghề không chỉ tạo cơ hội cho bản thân khởi nghiệp mà còn để giữ gìn, phát triển nghề di sản của địa phương, đưa thương hiệu ba khía Rạch Gốc ngày càng vang xa”./.