Cá lạc hay còn gọi là lịch củ, thân tròn, dài, giàu chất dinh dưỡng, thịt thơm, béo, ít xương. Cá lạc sống trong vuông tôm nhưng số lượng rất hạn chế, sản lượng cá chủ yếu được khai thác ngoài biển từ nghề đóng đáy hoặc câu. Thời điểm từ tháng 10 đến hết tháng 12 âm lịch, cá lạc vào vụ, sản lượng khai thác cao hơn những tháng còn lại trong năm.
Cá lạc được chế biến thành nhiều món ăn nhưng ngon nhất là loại khô 1 nắng. Theo hộ làm nghề, khô cá lạc dễ làm, ít tốn công lại không cần ướp thêm gia vị. Sau khi rửa sạch, cá được cắt dọc thân, loại bỏ phần ruột rồi móc lên phơi theo chiều thẳng đứng. Nếu trời nắng tốt chỉ cần đem phơi 3 đến 4 tiếng đồng hồ, sau đó đóng gói, hút chân không là có thể xuất bán. Hiện tùy vào kích cỡ loại cá này được bán với giá dao động từ 600.000 – 900.000 đồng/kg.
chị Đào tăng sản lượng cá đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm
Chị Võ Thị Đào, ấp Ông Trang, xã Viên An, bén duyên với nghề làm khô cá lạc đã gần 4 năm. Những ngày đầu bắt tay vào làm, thị trường chưa biết nhiều đến món ăn này, mỗi tháng chị Đào cung cấp chỉ lẻ tẻ vài đơn hàng nhỏ. Không đầu hàng trước cái khó, chị đẩy mạnh quảng bá, đăng tải sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, website bán hàng online và tích cực tương tác với khách hàng để mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, lượng khách hàng đã ổn định, không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn gởi đi các tỉnh Bình Dương, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh,…
Chị Đào cho hay, bình quân mỗi ngày chị xuất bán từ 4 – 5kg cá lạc tươi và cá lạc khô, cao điểm nhất là những tháng cận Tết, nhu cầu thưởng thức và làm quà biếu tăng cao nên lượng bán ra từ 40 – 50kg, nhiều lúc hút hàng không đủ nguồn cung.
Do khó đánh bắt và khan hiếm nên giá thành cá lạc cũng cao hơn các loại cá khác, dù vậy, loại đặc sản này vẫn được khách hàng ở nhiều nơi và kể cả khách du lịch ưa chuộng. Cận Tết, sức tiêu thụ tăng cao, đầu ra hút hàng, những hộ làm nghề tăng cường thu mua, chế biến cá khô phục vụ thực khách khiến nhịp sống ở huyện cực Nam vào những ngày cuối năm thêm rộn ràng./.