Gia đình ông Bùi Văn Sĩ, ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông bắt đầu trồng dừa từ năm 2016. Lúc đầu, ông trồng khoảng 30 gốc dừa xiêm xanh và xiêm lùn. Thấy dừa thích nghi, phát triển xanh tốt, nhiều trái, đem lại hiệu quả kinh tế nên ông đã tiếp tục cải tạo đất, lên liếp đầu tư trồng thêm 100 gốc dừa trên tổng diện tích hơn 1,5ha. Hiện nay, vườn dừa nhà ông đã phát triển tốt, cho trái nhiều, cách khoảng 7 - 10 ngày là thu hoạch một đợt, có thương lái đến tận nơi thu mua.
Thích nghi với thỗ nhưỡng địa phương nên dừa phát triển tốt, sai trái
Ông Bùi Văn Sĩ cho hay: “Tính ra trồng dừa khỏe hơn và đem lại giá trị kinh tế hơn những loại cây khác. Trước đây nhà tôi cũng trồng nhiều loại cây như mận, mít, ổi,… mà hiệu quả không cao, hay bị sâu bệnh, cực công chăm sóc, theo dõi. Thấy vậy tôi chuyển sang thử trồng dừa. Cây dừa không kén đất mặn, lớn nhanh, trái nhiều. Hiện đã có gần 40 gốc dừa đã cho trái, bình quân mỗi gốc tôi thu về hơn 1 triệu đồng trên một năm. Ước tính tới cuối năm nay, 130 gốc dừa mà cho trái đều thì gia đình tôi sống khỏe”.
Theo ông Cao Tấn Cửu, ấp Xẻo Lá, xã Viên An Đông, không như trước đây, hiện nay, nhiều giống dừa được lai tạo, cây lớn nhanh, sau gần 3 năm trồng là bắt đầu cho trái. Trồng dừa ít tốn công chăm sóc hơn các hoại cây khác, chủ yếu biết cách phòng trừ kiến vương, sâu đuông, bọ cánh cứng,… hơn nữa, dừa lại cho trái ổn định và quanh năm. Vì vậy, tận dụng đất trống quanh nhà, ông trồng giống dừa xiêm xanh và xiêm đỏ lùn để có thêm thu nhập.
Theo kinh nghiệm của ông Cửu, để trồng dừa đạt hiệu quả nhất ở vùng đất mặn cần phải đào mương, lên liếp để tháo mặn, trữ nước ngọt. Đối với giống dừa lùn thì trồng cách nhau từ 4 -5 mét, loại giống cao thì cách nhau từ 7 - 8 mét. Hơn nữa, để dừa phát triển tốt, cho trái đều và phòng ngừa sâu bệnh, người trồng cần rửa dừa, vệ sinh đọt, bẹ thường xuyên; mùa khô phải cung cấp đủ nước cho dừa.
Hiện nay dừa tươi uống nước được thị trường ưa chuộng, giúp nông dân trồng dừa có đầu ra ổn định. Dừa tươi có giá dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/trái, hút hàng nhất là vào mùa nắng nóng. Bên cạnh bán dừa tươi thì các hộ trồng dừa còn cung cấp dừa khô, dừa giống.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng ấp Xẻo Lá, xã Viên An Đông thông tin: “Trên địa bàn ấp có nhiều hộ trồng dừa. Một số hộ thì trồng ít gốc chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, một số hộ thì tận dụng đất trống, đất bờ bao để trồng tăng thêm thu nhập. Các khó của người dân là thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu hại nên hiệu quả đem lại chưa như mong đợi. Hướng tới, chúng tôi sẽ trình với các cấp để có phương án hỗ trợ cho bà con, nhất là về tập huấn kỹ thuật trồng để mô hình này hiệu quả, bền vững hơn, trở thành một trong những mô hình phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn”.
Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật trồng, nhiều vườn dừa của nông dân đã bám rễ tốt tươi, trĩu quả trên vùng đất mặn, giúp nông dân Ngọc Hiển thoát nghèo, vươn lên khấm khá./.