Từ ngày cầu Rạch Gốc được thông xe, mỗi buổi chiều về ông Nguyễn Văn Đấu, ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân lại ra bờ sông nhìn về phía cây cầu, trong lòng lâng lâng một niềm vui khôn tả. Đã hơn 68 năm ông gắn bó ngược xuôi, qua lại trên các chuyến phà ngang từ bến phà Rạch Gốc, phà Cây Me, phà Khóm 7 đến phà Dinh Hạn (thuộc địa bàn xã Tân Ân)…rồi bao lần đi trên những chiếc đò nhỏ chòng chành, hiểm nguy khi trời đổ mưa to, gió lớn. Ông cũng không nhớ biết bao nhiêu lần phải ngồi “dài cổ” đợi phà rồi lỡ chuyến phà. Chỉ ngăn cách nhau bởi một con sông nhưng những câu chuyện qua sông của ông Đấu và bà con Nhân dân ở hai bên bờ cũng đầy vơi theo con nước.
Cầu Rạch Gốc tạo động lực cho xã Đảo Tân Ân phát triển
Ngần ấy thời gian chờ đợi, đến ngày 12/2/2018, cầu Rạch Gốc với chiều dài 170m, rộng 5,5m, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 31,3 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng. Như vậy, sau bao năm mong chờ, giờ đây niềm ước ao được đi trên cây cầu vững chắc của bà con nay trở thành hiện thực. Mỗi nhịp cầu là một niềm vui bởi không chỉ phục vụ việc đi lại mà cây cầu đang trở thành đòn bẩy giúp cho người dân giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế. Và đặc biệt hơn thế, kể từ đây, cầu Rạch Gốc sẽ đưa xã Tân Ân kết nối với các địa phương lân cận, phá thế “ốc đảo” bao đời của vùng đất này.
Ông Nguyễn Văn Đấu, ở ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân phấn khởi: “Đến hôm nay vẫn không ngờ rằng nhân dân Tân Ân đã có cầu qua lại. Không chỉ bản thân tôi mà những người dân nơi đây rất đỗi vui mừng. Đi đâu cũng chọn đi bằng đường qua cầu chứ không đi phà như trước nữa, mặc dù đi qua phà gần hơn”.
Bà Nguyễn Thanh Tuyền, công chức địa chính xây dựng xã Tân Ân chia sẽ: “Trước khi có cầu, mỗi ngày đi làm đều phải qua phà. Nhiều lúc đi làm sớm mà đợi phà thành ra lại trễ giờ. Có cầu rồi mình chủ động được thời gian, qua lại cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn rất nhiều”.
Là xã đảo, xuất phát điểm thấp, tiến trình đi lên phát triển kinh tế của Tân Ân còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, chính quyền và Nhân dân toàn xã đoàn kết một lòng chung tay phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Tính đến nay xã đã hoàn thành 09 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới; đưa vào sử dụng được hơn 60km lộ bê tông, hoàn thành hơn 60% nhu cầu xây dựng lộ trên địa bàn; tổng số hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống chỉ còn 171 hộ,…kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên.
Ngày nay, cây cầu mới đã hoàn thành, không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, làm giàu cho quê hương. Hơn 1.300 hộ dân với khoảng 5.600 khẩu trong toàn xã Tân Ân sẽ không còn chịu cảnh vất vả hay phải lụy đò như những năm trước. Từ đây, hàng hóa được vận chuyển, tiêu thụ một cách dễ dàng, thương lái có thể đến tận nơi thu mua, người dân không còn chịu cảnh thiệt thòi khi bị ép giá. Nỗi lo lắng, sợ hãi mỗi khi qua đò, qua phà của người dân không còn nữa mà thay vào đó là yên tâm đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống mới no ấm.
Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Từ khi có cầu Rạch Gốc, tình hình kinh tế - xã hội của xã Tân Ân đã có bước phát triển. Việc trao đổi hàng hóa trở nên thuận tiện, nhanh chóng; người dân phấn khởi thi đua lao động, sản xuất. Trong năm nay xã sẽ tiếp tục sửa chữa, xây dựng thêm một số đoạn lộ bị hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo việc đi lại của bà con nhân dân và các em học sinh được thông suốt, an toàn, không còn chịu cảnh “lụy đò” như xưa".
Cầu Rạch Gốc được nối nhịp là điểm nhấn thể hiện sâu sắc về tầm nhìn chiến lược của các cấp lãnh đạo huyện Ngọc Hiển để tạo cú hích mới cả một vùng sông nước bứt phá vươn lên và phát triển.
Từ trên cầu nhìn dọc hai bên sông Rạch Gốc vẫn thấy thấp thoáng những ngôi nhà bé xíu tạm bợ khép nép ven bờ. Miền đất ven biển này dẫu có khởi sắc nhưng nay vẫn còn lắm khó khăn và sứ mệnh của những cây cầu nối nhịp đôi bờ là phải làm cái gạch nối phồn vinh, đưa miền đất cực Nam ngày càng phát triển./.