Trước đây, kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hai, ở ấp Ông Trang, xã Viên An rất khó khăn. Nhà có 02 mẹ con, bà Hai thì hết tuổi lao động, mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình dựa vào nghề làm củi của người con trai út. Tuy nhiên, nghề củi chủ yếu làm theo mùa khai thác cây rừng nên chỉ kéo dài một vài tháng trong năm, thời gian còn lại, 02 mẹ con làm đủ nghề để kiếm sống, thu nhập bấp bênh.
Mong muốn thoát khỏi cái nghèo, từ tháng 4/2023 dưới sự hỗ trợ, tư vấn của chính quyền địa phương, anh Nguyễn Trọng Trí, con trai út của bà Hai quyết tâm sang Nhật Bản lao động với nghề trang trí nội thất, thời hạn hợp đồng kéo dài 3 năm. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ lúc đầu, đến nay anh đã thành thạo công việc, mức lương mỗi tháng được trả hơn 30 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt, hàng tháng, anh gởi về từ 10 – 15 triệu đồng, phụ giúp gia đình trả các khoản nợ vay, sửa sang nhà cửa, từng bước ổn định cuộc sống.
Hội nghị tuyên truyền về xuất khẩu lao động tại xã Viên An
Cùng suy nghĩ như một số lao động khác ở địa phương, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Hà Thị Cẩm Trinh, ấp Ông Trang, xã Viên An chọn con đường xuất khẩu lao động. Sau khi được chính quyền địa phương kết nối, tư vấn kỹ càng cùng với lời động viên, giới thiệu của người thân tại Liêng Bang Nga, chị Trinh yên tâm, mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký sang Nga làm công nhân may mặc. Theo tìm hiểu của chị, mức lương khởi điểm 6 tháng đầu từ 25 – 30 triệu đồng, sau thời gian này sẽ tăng từ 35 triệu trở lên. Hơn nữa, công ty còn ưu đãi về chỗ ở, ăn uống nên không tốn thêm chi phí khác.
Tại xã Viên An, trong 3 năm gần đây, địa phương có hàng trăm lao động làm việc có thời hạn tại thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Malaysia. Đây cũng là địa phương đứng đầu về số lượng lao động xuất khẩu theo Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của huyện Ngọc Hiển. Lao động của địa phương sang nước ngoài làm việc được thị trường các nước đánh giá cao, không ngừng nâng lên về trình độ chuyên môn nghề nghiệp, có thu nhập khá, góp phần ổn định đời sống và giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lịnh, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hiển thông tin: “Hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với ngành liên quan và các xã, thị trấn thực hiện nhiều cuộc tuyên truyền đến tận ấp, khóm trên địa bàn về chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện khi xuất khẩu lao động, cũng như những quyền lợi mà người lao động được thụ hưởng khi đi làm việc ở nước ngoài theo con đường chính thống. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu lao động ngày càng rộng mở với những hiệu ứng tích cực. Từ năm 2022 đến nay, người lao động tham gia xuất khẩu của huyện Ngọc Hiển ngày càng tăng. Nếu năm 2022 có 57 lao động xuất khẩu thì năm 2023 đã tăng lên 128 lao động. Và, những tháng đầu năm 2024 đã có 82 lao động sang nước ngoài làm việc với mức thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng trở lên/tháng”.
Hiệu quả từ những người thật, việc thật sang nước ngoài làm việc là những minh chứng sống động nhất, thuyết phục nhất giúp người dân an tâm, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Nhà nước. Nguồn ngoại tệ do người lao động đi xuất khẩu gửi về không chỉ góp phần xóa nghèo, nâng cao đời sống của chính người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhiều người khi hết thời hạn lao động trở về không chỉ có cuộc sống tốt hơn mà còn giàu kỹ năng, kiến thức và cái được lớn nhất chính là họ đã thay đổi được tư duy cũ, đem tư duy mới trong sản xuất, kinh doanh về để phát triển kinh tế gia đình, góp sức làm đổi mới diện mạo nông thôn./.