Phát triển du lịch Đất Mũi tạo vững chắc cho kinh tế Ngọc Hiển phát triển
Từ khi chia tách huyện ngày 01/01/2004, du lịch Ngọc Hiển ở mức tiềm năng do khó khăn về giao thông nhưng từ khi cầu Năm Căn được khánh thành bắt qua sông Cửa Lớn, đường Hồ Chí Minh được đấu nối về xã Đất Mũi đã tạo được bước đột phá mới cho ngành du lịch, một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Ngọc Hiển bức phá vươn lên. Trải qua một chặn đường phát triển, du lịch Ngọc Hiển đã tạo được những điểm nhấn riêng địa phương. Hiện nay, huyện Ngọc Hiển đang dồn lực để phát huy hiệu quả cho “ngành công nghiệp không khói” của vùng đất cực Nam phát triển.
Huyện Ngọc Hiển hiện có khu du lịch Mũi Cà Mau, thuộc xã Đất Mũi, mãnh đất cực Nam Tổ quốc tạo được điểm nhấn quan trọng trong thu hút du khách đến tham quan. Nơi đây có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận Khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển của thế giới, là Khu Du lịch quốc gia. Đất Mũi, có mốc tọa độ GPS 0001, Cột cờ Hà Hội, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ, biểu tượng Mũi Tàu, Con cua và hệ thống đường nội bộ được nâng cấp mở rộng phục vụ tốt hơn cho du khách. Du lịch của huyện Ngọc Hiển năm 2024 đã thu hút 850.000 lượt khách đến tham quan du lịch, doanh thu đạt 960 tỷ đồng, lượng khách đến tham quan và doanh thu du lịch cao nhất từ trước đến nay.
Các điểm du lịch sinh thái cộng đồng gồm: 4 Ngãi, 4 Nhuần, 5 Hướng, 3 Sú, Hải Nam, Dân 3 Khía, Nguyễn Hùng, Bình Minh, Hoàng Hôn... duy trì phát triển các sản phẩm thu hút du khách như: hoạt động trãi nghiệm “Một ngày làm nông dân” tổ chức cho du khách bắt ba khía, xổ vuông tôm, đặt lợp cua, lợp cá thòi lòi, bắt sò, vọp và tự chế biến các món ăn...
Bãi bồi là nơi được ngắm trọn cảnh mặt trời mọc vào buổi sáng, mặt trời lặn vào buổi chiều. Đến đây, du khách còn trải nghiệm sinh hoạt văn hóa văn nghệ như hát với nhau, đờn ca tài tử,…
Các sản phẩm đặc trưng của địa phương được khai thác vào du lịch để làm quà lưu niệm, quà biếu như: sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo (có kiểu dáng con cua, tôm, vọp..), đũa đước, các loại khô, bánh phồng tôm, tôm khô, rượu trái giác…, xây dựng được nhãn mác, thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một góc Đất Mũi nhìn từ trên cao
Huyện duy trì khai thác 04 tuyến tham quan xuyên rừng thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Tuyến tham quan Rừng ngặp mặn – Bãi bồi; tuyến khám phá Giếng trời – Rừng nguyên sinh; tuyến diễn thế rừng tự nhiên – cồn Ông Trang (Cồn Cát); tuyến vùng chuyển tiếp từ biển Đông sang biển Tây.
Ban Quản lý Khu du lịch Mũi Cà Mau hiện chuẩn bị các mô hình, tiểu cảnh Xuân Đất Mũi để phục vụ du khách chụp ảnh tham quan tạo không khí vui tươi, phấn khởi du xuân đón tết. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách tham quan. Phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối du khách đến tham quan vui chơi, trải nghiệm, qua đó góp phần quảng bá xây dựng thương hiệu hình ảnh du lịch Mũi Cà Mau
Hiện nay, địa phương đang xây được những sản phẩm mới, đặc sắc, sản phẩm chủ lực, nhằm tạo ra sự đa dạng sẽ trong chuổi kết nối quan trọng để du khách chọn lựa sản phẩm tiêu thụ trong chuyến tham quan, trải nghiệm du lịch Đất Mũi.
Hoạt động du lịch Đất Mũi muốn bức phá vươn lên, tạo điểm nhấn, trước tiên nên khai thác các giá trị lịch sử của địa phương như: Nhà không cửa, phục dựng lại làng rừng với các dụng cụ chưng cất nước biển để gắn liền với sự kiện của chiến sĩ ngày xưa đánh giặc trong rừng, đói ăn trái mắm luộc, cất nước biển từng lon để uống... Để du khách tham quan.
Đồng thời cần xây dựng không gian, trải nghiệm hoạt động “bếp xưa”, những gian nhà không cửa gắn liền với Đất Mũi, Xóm Mũi… với những nồi đất, lò củi để những du khách thành thị hiểu thêm về đời sống của bà con Nhân dân thời khai hoang, mở đất, gắn liền với biển, với rừng, chất phát hiền hòa, mến khách trong phát triển kinh tế rồi vươn lên làm giàu. Tiếp đến những câu chuyện, sản vật liên quan đến Đất Mũi về mãnh đất cực Nam Tổ quốc, “vùng đất thiên”, để du khách lựa chọn làm quà lưu niệm hay mang về nhà để làm kỉ vật cho một chuyến đi đầy ý nghĩa về vùng Đất Mũi- Cà Mau. Mỗi một câu chuyện, sự kiện phải mang được ý nghĩa, tạo điểm nhấn “tầm vốc” về vùng Đất Mũi, Cà Mau.
Thực tế, phần lớn khách du lịch không chỉ tìm kiếm một chuyến đi mà là một trải nghiệm. Trải nghiệm càng phong phú, chất lượng phục vụ tốt, đáp ứng nhu cầu du lịch, du khách sẽ thích thú, muốn trở lại khám phá tiếp và không ngần ngại chi tiền trong một chuyến đi tham quan của mình.
Đất Mũi một thương hiệu về vùng đất cực Nam, nơi địa đầu Tổ quốc là một trong những mấu chốt rất quan trọng để huyện Ngọc Hiển xây dựng thương hiệu du lịch cho địa phương. Chính nơi đây mỗi công dân Việt Nam cũng như du khách quốc tế muốn đến đây để hiểu thêm về bản sắc văn hóa, vùng đất, con người Mũi Cà Mau. Hiện nay Dự án triển khai tuyến cao tốc đến tận Đất Mũi được Trung ương phê duyệt, dự kiến sẽ xây dựng vào năm 2026 là một lợi thế để Ngọc Hiển định hướng, phát triển cho ngành du lịch của huyện cực Nam. Đây còn là động lực quan trọng tạo vững chắc cho kinh tế Ngọc Hiển phát triển./.