Sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương, giữa tháng 11 vừa qua, anh Lâm Văn Lẹ, ấp Ô Rô, xã Tân Ân được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua máy vỏ, ngư lưới cụ làm nghề đặt lú và chạy đò dọc. Anh Lẹ cho biết, công việc này anh đã gắn bó nhiều năm trước khi chấp hành án. Sau khi trở về địa phương, do không có vốn nên anh đi làm thuê, làm mướn nhiều nghề để kiếm sống qua ngày. Được địa phương hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho người chấp hành xong án phạt tù, anh Lẹ phấn khởi làm ăn, tự nhủ vươn lên.
Anh Lẹ bộc bạch: “Từ ngày có máy vỏ, vô con nước thì tôi đặt lú ven sông. Hết con nước thì chạy đò dọc, thu nhập ngày cũng 200 đến 300 ngàn đồng, đủ để bản thân trang trải chi tiêu, sinh hoạt. Địa phương quan tâm, chăm lo như vậy tôi rất mừng, phấn đấu làm ăn, sống có ích, làm lại cuộc đời”.
Anh Lâm Văn Lẹ (bìa trái) phấn khởi vì được địa phương quan tâm, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng ấp Ô Rô, xã Tân Ân nhận định: “Qua điều tra khảo sát thì gần 70% số đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương không có công ăn việc làm ổn định, rất dễ có nguy cơ tái phạm. Do đó, chúng tôi phối hợp với các tổ chức, đoàn thể nhận ủy thác triển khai quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, góp phần hạn chế tỉ lệ tái phạm tội cũng như giúp cho những đối tượng đặc thù này thụ hưởng chính sách một cách bền vững”.
Ông Lâm Văn Tia, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân cũng là một trong những khách hàng đầu tiên thụ hưởng nguồn vốn chính sách theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Tia cho biết, gia đình đang trong lúc thiếu vốn để cất nhà cho người dân địa phương thuê làm chỗ thu mua hải sản thì gia đình ông may mắn được tiếp cận 50 triệu đồng nguồn vốn chính sách. Vợ chồng ông vui mừng động viên nhau cùng cố gắng làm ăn để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình và dành một phần để trả cho ngân hàng.
Ông Tia tâm sự: “Trong 3 tháng chấp hành án phạt, gia đình không còn lao động chính, 2 đứa con còn tuổi ăn học, vợ lại không nghề nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Giờ về được bà con chòm xóm quan tâm rồi địa phương chăm lo tôi thấy rất mừng. Nhà cất xong cho thuê mỗi tháng được 2 triệu cộng thêm tôi đi làm bạn cho ghe lưới, thu nhập hàng tháng 6 – 7 triệu đồng cũng ổn”. Ông Tia tin rằng, với việc trả nợ định kỳ hàng tháng và lãi suất thấp từ nguồn vốn này, gia đình ông sẽ đủ khả năng để trả.
Theo ông Trần Thái Phong, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển thông tin, đến nay, Ngân hàng đã giải ngân cho 4 gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với tổng số tiền 220 triệu đồng.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hiển tiếp tục triển khai nguồn vốn bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, đáp ứng mong mỏi của những người chấp hành xong án phạt về lại địa phương. Góp phần tạo điều kiện cho họ được vay vốn chính sách để học nghề, đầu tư sản xuất kinh doanh, các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sinh kế cho những người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế, xã hội huyện nhà và để chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước lan tỏa, đi vào cuộc sống./.