Trường Trung học phổ thông Ngọc Hiển có hơn 780 học sinh từ khối lớp 10 đến 12. Trong đó, có khoảng 90% học sinh có sử dụng điện thoại thông minh và có tài khoản mạng xã hội. Thực tế, thời gian qua, nhờ có mạng xã hội giúp học sinh tìm kiếm được thông tin phục vụ việc học tập, thuận lợi trong việc tiếp cận những tài liệu thích hợp, bài giảng, hình ảnh, cũng như cung cấp kênh kết nối, trao đổi để có thể học tập tốt hơn. Đồng thời, sau những giờ học mệt mỏi, căng thẳng, với các kênh nghe nhạc, xem video trực tuyến từ mạng xã hội, học sinh sẽ có được những phút giây thư giãn và giải trí tối đa.
Từ khi lên lớp 6, em Nguyễn Hồng Ân, học sinh lớp 10X3, trường Trung học phổ thông Ngọc Hiển đã được gia đình mua cho chiếc điện thoại thông minh để thuận tiện trong việc liên lạc và phục vụ học tập. Được phụ huynh nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng, Hồng Ân đã biết chọn lọc những thông tin hữu ích và khai thác những lợi thế của internet, mạng xã hội để tạo ra hiệu ứng tốt cho quá trình học tập như giao lưu, trò chuyện, kết bạn, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống, khai thác tư liệu phục vụ học tập,… mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân.
Trường Trung học phổ thông Ngọc Hiển tổ chức hoạt động ngoại khóa về kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho các em học sinh
Hồng Ân cho biết, mạng xã hội có nhiều cái hay, nhờ nó mà em có thể kết nối được với bạn bè ở khắp mọi nơi; có thể cập nhật tin tức, các sự kiện đang xảy ra xung quanh mình một cách nhanh chóng; giúp bản thân giải trí, giảm căng thẳng sau thời gian học tập,... Mỗi ngày, ngoài thời gian học ở trường, học ở nhà, em thường dành từ 1 - 2 giờ để lướt mạng xã hội. Thời gian còn lại, em thường phụ giúp gia đình công việc nhà hoặc làm nhiều việc có ích cho bản thân.
Cùng chung suy nghĩ này, em Trần Vi Dal, lớp 10X3 cho rằng, trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin giúp mình nâng cao kiến thức, hiểu biết. Song song đó, còn có những thông điệp cuộc sống, những câu chuyện hay, việc làm ý nghĩa, tấm gương giàu nghị lực vươn lên hoặc những hoàn cảnh khó khăn được chia sẻ, lan tỏa, tạo cơ hội cho chúng ta học tập, giúp đỡ. Tuy nhiên, khi sử dụng mình phải biết tự điều chỉnh, hạn chế thời gian lướt mạng xã hội để không bị chìm đắm vào thế giới ảo, gây ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt.
Theo thầy Diệp Bảo Ân, Bí thư đoàn trường Trung học phổ thông Ngọc Hiển, bên cạnh những lợi ích thì mạng xã hội cũng đã và đang gây ra những tác động tiêu cực bởi không phải học sinh nào cũng ý thức sử dụng mạng xã hội cho có ích. Các em thường bị hấp dẫn bởi Tiktok và các video ngắn của facebook khiến hay bị phân tâm, lười suy nghĩ, phụ thuộc vào điện thoại thông minh. Thêm vào đó, với cơ chế tự động đề xuất của mạng xã hội, không ít bạn dành quá nhiều thời gian để tiêu thụ hàng tá thông tin rác, dẫn đến tụt giảm năng lượng tích cực. Chưa kể, các bạn dễ có những suy nghĩ lệch lạc mà về lâu dài sẽ hình thành lối suy nghĩ tiêu cực, thiếu động lực cho bản thân.
Thầy Ân cho biết, trên thực tế, không ít học sinh đã coi mạng xã hội, trang facebook cá nhân như một phương tiện để giải trí, giết thời gian, tán ngẫu và thể hiện các hành vi xấu của mình. Những năm gần đây, có nhiều vụ việc chủ yếu liên quan đến mạng xã hội, điển hình như bạo lực học đường xảy ra, nhất là ở cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông. Từ việc quen biết trên mạng, lời qua tiếng lại với nhau trên thế giới ảo rồi dẫn đến mâu thuẫn ngoài đời thực.
Với vai trò là Bí thư đoàn trường, thầy Ân đã sử dụng mạng xã hội như “cầu nối” để gắn kết hơn với học trò. Bằng việc kết bạn, thường xuyên tương tác bằng ngôn từ hợp “tuổi teen”, giúp thầy thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm và những mối quan hệ phức tạp giữa các em để có thể chia sẻ, hỗ trợ, can thiệp kịp thời trước khi sự việc trở nên nghiêm trọng, góp phần phòng chống hiệu quả bạo lực học đường.
Em Trần Thị Mỹ Duyên, trường Trung học phổ thông Ngọc Hiển cho biết: “Trước đây, do lời qua tiếng lại trên mạng xã hội, em và một bạn khác đã suýt xảy ra mâu thuẫn ngoài đời thực. Nhưng nhờ có thầy cô phát hiện, giải quyết, tụi em đã hiểu nhau, xóa bỏ hiểu lầm, giờ còn trở thành đôi bạn thân. Em thấy, thay vì bỏ thời gian lướt mạng xã hội, em thường giành thời gian đó rủ bạn bè chơi thể thao, tổ chức học nhóm, đọc sách để nâng cao sức khỏe và kiến thức, giúp việc học được tốt hơn”.
Để mỗi học sinh trang bị những kỹ năng cần thiết khi bước vào không gian mạng, không chỉ trường Trung học phổ thông Ngọc Hiển mà nhiều trường học khác trên địa bàn huyện đã tổ chức các buổi ngoại khóa để tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, kỹ năng bảo vệ mình trên thế giới ảo trong các giờ hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, các trường còn tổ chức các trò chơi tập thể ngoài trời, thi đấu thể dục thể thao… để vừa tăng cường sức khỏe, vừa vui chơi, giải trí, gắn kết tình bạn.
Việc giáo dục ý thức sử dụng mạng xã hội của học sinh rất cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Cần tuyên truyền, quán triệt và phổ biến đến học sinh lợi ích và tác hại, tính hai mặt của việc sử dụng mạng xã hội để mỗi em có những định hướng đúng đắn khi sử dụng. Riêng về phía học sinh cần chủ động quản lý lối sống, tình cảm, xây dựng các mối quan hệ xã hội chất lượng và nhất là cần phải tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội./.