Hơn 2 tháng nay, từ khi điểm bán báo của bưu điện văn hóa xã Tân Ân Tây đi vào hoạt động, cứ độ 6 đến 8 giờ sáng, quán cà phê Huy nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây lại trở nên đông khách. Đến đây, mỗi người chọn một tờ báo vừa nhâm nhi ly cà phê, tách trà vừa lặng lẽ lật từng trang để đọc.
Nhà ở gần quán cà phê, mỗi sáng, sau khi đi bộ vài vòng, ông Lê Chí Thiện, 54 tuổi ghé vào quán, kêu một bình trà nóng vừa uống vừa đọc báo. Với ông Thiện, đọc báo in không chỉ để tìm kiếm thông tin, giải trí, mà còn là thói quen, là món ăn tinh thần giúp ông tìm về ký ức của ngày xưa, ngày mà công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ.
Đọc báo buổi sáng trở thành món ăn tinh thần của nhiều người
Ông Thiện chia sẻ: “Mặc dù là “Điểm bán báo” nhưng ở đây lại không bán mà chủ yếu phục vụ miễn phí cho bà con. Mỗi người tới đây chọn một tờ báo để đọc, đọc xong xếp lại gọn gàng, ngay ngắn để lại trên kệ. Có hôm đọc dở dang hay bận việc, tôi mua nhưng cô nhân viên vẫn không bán mà tặng cho tôi đem về đọc. Từ ngày mở điểm này, mấy anh em trong xóm tôi khoái lắm, sáng nào cũng hẹn nhau đi bộ, cà phê, đọc báo”.
Ở cách điểm bán báo hơn chục cây số nhưng sáng nào đưa con đi học xong, anh Lê Minh Cảnh, ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây cũng tạt ngang quán cà phê Huy xem vài tờ báo. Anh Cảnh bày tỏ: “Ngoài xem thời sự trên ti-vi, cách để tôi nắm bắt thông tin trong và ngoài tỉnh, thậm chí tin tức các nước đều là nhờ đọc báo in. Lúc trước chưa có điểm bán báo này tôi đặt báo giao về tận nhà, giờ thì ra đây vừa đọc báo miễn phí vừa được gặp gỡ anh em, bạn bè học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt”.
Đối với anh Cảnh, đọc báo in là một nếp sinh hoạt thường nhật, “thiếu gì thì thiếu, thiếu báo thì không!”. Dù sử dụng điện thoại thông minh cũng khá thành thạo, có thể đọc báo điện tử nhưng ông vẫn thích báo in hơn bởi tính chính xác của thông tin rất cao. Hơn nữa, đọc báo trên giấy ít bị mỏi mắt và lâu quên bởi người đọc có thêm thời gian nghiền ngẫm qua từng dòng chữ. “Tôi đọc tất cả các loại báo, lần lượt từ trang đầu đến trang cuối, không bỏ sót một chuyên mục nào. Có nhiều bài báo hay, tâm huyết, nhất là bài viết về gương người tốt, việc tốt, các mô hình phát triển kinh tế tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí còn cắt ra để dành” – anh Cảnh nói.
Tại điểm bán báo của bưu điện văn hóa xã Tân Ân Tây có hàng trăm tờ báo được trưng bày, nhiều nhất là Báo Cà Mau, Báo Nhân dân, Báo An ninh, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Quân đội nhân dân,… Đầu báo được cập nhật thường xuyên để phục vụ nhu cầu của độc giả, cứ 2 đến 3 ngày là có số báo mới.
Chị Nguyễn Thị Lùn, nhân viên điểm giao dịch bưu điện văn hóa xã cho biết: “Mong muốn giữ gìn, phát huy báo in - kênh thông tin truyền thống nên cấp trên đã triển khai thực hiện mô hình Điểm báo báo. Thời gian đầu ít ai đọc nhưng lâu dần người này truyền tai người kia nên lượng độc giả ngày càng tăng. Tôi khá bất ngờ là độc giả quen thuộc ở đây không chỉ những người lớn tuổi mà còn có cả những người trẻ U30, U40”.
Hiện nay, các đảng ủy, chi bộ, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Ngọc Hiển duy trì đặt báo in thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, nắm bắt tin tức, thời sự của cán bộ, đảng viên. Mỗi tháng, bưu điện huyện Ngọc Hiển nhận gần 3.000 tờ báo để phát hành về cho các đơn vị, chi bộ. Đều đặn hàng ngày, hàng tuần, báo in vẫn được phát hành, trao đến tận tay những độc giả ở cơ sở, kể cả những khóm, ấp xa xôi./.