Quê quán ở xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, xuống định cư ở ấp Dinh Cũ hơn 20 năm, vợ chồng chị Tuyết bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Từ đi lượm củi, phụ hồ, làm lưới cá khoai đến làm lú bát quái vẫn không đủ ăn và nuôi con học hành. Trăn trở tìm hướng thoát nghèo, vợ chồng chị cố gắng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, tâm huyết khởi nghiệp từ nghề hầm than.
Ban đầu, vợ chồng chị đi lượm củi về hầm trong 2 lò nhỏ, sau khi ra lò, đem than bán cho người dân địa phương và các mối lái ở chợ. Thấy nghề này tuy cực nhưng bù lại dễ làm, thu nhập ổn, mong muốn gắn bó dài lâu với nghề, chị Tuyết đã làm hồ sơ thủ tục xin mở công ty để thuận tiện cho việc làm ăn. Đầu năm 2016, Công ty TNHH một thành viên Mười Hoàng ra đời. Từ đó, gia đình chị mở rộng lên 9 lò hầm than. Mỗi lò có chiều rộng 7m, cao 4m, hầm liên tục 60 ngày cho ra 18 tấn than thành phẩm. Hiện tại, giá than tùy theo loại dao động từ 4 đến 8,5 ngàn đồng/kg, có thương lái từ các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh,… đến tận nơi thu mua. Suốt mấy năm qua, đều đặn mẻ này nối tiếp mẻ kia, nghề làm than gỗ đước đã mở lối phát triển kinh tế, giúp gia đình chị Tuyết có cuộc sống ấm no, xây dựng nhà cửa khang trang.
Nghề làm than gỗ đước đã mở lối phát triển kinh tế, giúp gia đình chị Tuyết có cuộc sống ấm no
Chị Tuyết cho rằng, được cơ ngơi như hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của gia đình còn có sự hỗ trợ, giúp sức của anh chị em lao động, do đó, chị luôn coi họ như người thân trong nhà. Đa số lao động trong công ty là dân địa phương, hoàn cảnh khó khăn, độ tuổi từ 40 trở lên, có gần một nửa là phụ nữ và hầu hết các chị đã quá tuổi lao động. Từng trải qua gian khó, hơn ai hết, chị Tuyết thấu hiểu, cảm thông, tâm niệm sẽ cố gắng giúp đỡ, tạo điều kiện để các chị em từng bước ổn định cuộc sống.
Bà Dương Thị Mary, 57 tuổi, là người cao tuổi nhất trong số 7 chị em đang làm việc tại lò hầm than của gia đình chị Tuyết. Hoàn cảnh gia đình bà Mary đơn chiếc, khó khăn, chỉ có 2 vợ chồng, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào 1,3ha đất nuôi trồng thủy sản. Chồng bà bị bệnh không thể làm gì được, bản thân thì không đủ điều kiện và sức khỏe để làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp nên bà đã xin làm việc ở lò than. Khi vào công ty, bà được chị Tuyết giúp đỡ, chỉ giao làm những việc công nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Gần 3 năm qua, từ tiền công mỗi ngày được trả 270 ngàn đồng đủ để bà xoay xở áo cơm qua ngày và lo thuốc thang cho chồng.
Bà Mary tâm tình: “May mà có em Tuyết giúp đỡ tôi mới có công ăn việc làm chứ nếu không cũng hổng biết tính sao. Mấy năm nay làm ở đây, tiền lương được trả đầy đủ, kịp thời, hơn nữa, lễ lộc, Tết nhất thì em Tuyết thưởng thêm ít đỉnh, rồi tặng quà, cho gạo ăn. Giờ đây, cuộc sống đã ổn định hơn trước, tôi mang ơn em Tuyết nhiều lắm”.
Khéo léo chất từng khúc củi tươi vào lò, chị Quách Tiết Ngọc cho biết: “Nhà ở gần đây, không có nghề nghiệp ổn định, mọi chi tiêu trong nhà dựa vào tiệm tạp hóa nhỏ, thấy vậy chị Tuyết mới rủ tôi vô công ty làm. Lúc đầu làm không quen, hay bị bệnh lặt vặt do phải làm việc trong môi trường ngột ngạt, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nhiệt độ cao. Nhiều lần muốn bỏ việc nhưng nhờ có chị Tuyết động viên nên tôi cố gắng vượt qua, đến nay đã gắn bó với nghề được 3 năm. Chị Tuyết còn cung cấp than với giá rẻ để tôi bán lại cho bà con, quán ăn, các điểm chợ trên địa bàn, kiếm ít đỉnh đồng lời, lo cho mấy đứa nhỏ học hành”.
Theo bà Nguyễn Kim Xuân, Chi Hội trưởng Hội phụ nữ ấp Dinh Cũ, hầu hết sau một thời gian làm việc, những nhân công ở công ty chị Tuyết có đời sống, kinh tế khởi sắc hơn. Chị Tuyết sống chan hòa, tình cảm, sẵn sàng giúp đỡ chị em như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn đột xuất, cho mượn vốn làm ăn không tính lãi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất,… Từ đó, giúp nhiều chị vượt qua khó khăn và có động lực, niềm tin vươn lên, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chi Hội sẽ tuyên truyền sâu rộng tấm gương này, góp phần lan tỏa cho chị em noi theo, phát huy tinh thần giúp nhau cùng phát triển”./.