Huyện ủy Ngọc Hiển: Sơ kết Chỉ thị số 04 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Sáng ngày (02/01), Huyện ủy Ngọc Hiển Hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 04 ngày 06/12/2021 và Kế hoạch số 196, ngày 14/3/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Huyện Ngọc Hiển có tổng diện tích đất tự nhiên là 73.462,61 ha. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 57.751 ha, diện tích đất có rừng tập trung là 32.971,30 ha. Về chức năng sử dụng, tài nguyên rừng của huyện chia thành 3 loại: rừng sản xuất 14.651,29 ha, rừng phòng hộ 10.121,09 ha, rừng đặc dụng 8.198,92 ha với các đơn vị quản lý như: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, Ban QLRPH Đất Mũi, Khu căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật Trảng Sáo (Lâm trường Trảng Sáo), Đội Quản lý đất Quốc phòng - Cục hậu cần Quân khu 9 (Nông trường 414), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, Hạt Kiểm lâm Hòn Khoai, UBND các xã: Viên An, Tân Ân, Tân Ân Tây, Tam Giang Tây và Thị trấn Rạch Gốc. Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chủ yếu được dùng cho mục tiêu phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn gen động thực vật, nghiên cứu khoa học và kết hợp tham quan du lịch sinh thái.
Toàn cảnh hội nghị
Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Trong đó tập trung phát triển nâng cao giá trị của cây gỗ đước và định hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, việc triển khai thực hiện đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng giúp kinh tế - xã hội huyện phát triển.
Tại hội nghị đã chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay, sự phối hợp trong quản lý đất lâm nghiệp giữa chính quyền và các chủ rừng có lúc có việc chưa chặt chẽ; công tác xử lý vi phạm và buộc khắc phục hậu quả trong vi phạm về đất lâm nghiệp có trường hợp chưa được kịp thời; ý thức chấp hành quy định của một số hộ dân được giao khoán đất lâm nghiệp chưa tốt, nhất là còn xảy ra tình trạng bán nền, xây cất công trình trái phép khá phổ biến… Chưa có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả bền vững cho người dân sinh sống, canh tác dưới tán rừng, đồng thời việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ cacbon theo quy định chưa được cấp thẩm quyền hướng dẫn, hỗ trợ (theo Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường), nên chưa tạo sự động viên, khuyến khích mạnh mẽ cho người dân vừa cải thiện đời sống vừa tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Lãnh đạo Huyện ủy yêu cầu trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, quán triệt các chủ trương của Đảng, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định, hướng dẫn có liên quan về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, các quy định, hướng dẫn có liên quan đúng quy định, phù hợp thực tế và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ rừng, lồng ghép công tác bảo vệ rừng với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sức mạnh của toàn dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đề cao trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; nâng cao trách nhiệm quản lý rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cấp xã và của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ rừng./.