Theo NHCSXH huyện Ngọc Hiển, chương trình cho vay xuất khẩu lao động được triển khai từ năm 2005, tuy nhiên, trước đây rất ít hộ vay. Đến năm 2019, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27 ngày 9/9/2019 về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020 thì nhiều người lao động mới bắt đầu vay vốn chương trình này bởi chương trình được triển khai chặt chẽ, bài bản hơn, có nhiều chính sách ưu đãi hơn về đối tượng, mức vay…
Ông Trần Thái Phong, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hiển thông tin: “Theo quy định, các đối tượng được hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng và người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động sinh sống tại huyện nghèo. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện nay là 6,6%/năm); riêng đối với đối tượng vay vốn là lao động thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (hiện là 3,3%/năm)”.
Ông Phong cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay này, ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xuất khẩu lao động, giúp người dân nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục để kịp thời giải ngân nguồn vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, chủ động tuyên truyền đến bà con lựa chọn những địa chỉ có đủ tư cách pháp nhân, uy tín, không có các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để tránh những thiệt hại đáng tiếc khi ra nước ngoài lao động. Tính đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Ngọc Hiển đã giải ngân cho 23 khách hàng vay vốn từ chương trình cho vay xuất khẩu lao động, tổng dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng.
Hoàn cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em Bùi Ngọc Thư, ấp Cồn Cát, xã Viên An đã rời quê hương lên Bình Dương xin vào công ty điện tử làm để đỡ đần, phụ giúp kinh tế cho gia đình. Thời gian gần đây, việc làm thiếu ổn định, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống và lo cho con nhỏ, Thư quyết định cùng chồng sang Nhật lao động với hy vọng cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, chi phí đi nước ngoài khá cao, trong lúc đang không biết xoay xở thế nào thì vợ chồng Thư được biết đến chương trình cho vay ưu đãi xuất khẩu lao động của Ngân hàng CSXH. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 106 triệu đồng, Thư có chi phí sang nước ngoài làm việc, mở ra cơ hội mới phát triển kinh tế.
Em Bùi Ngọc Thư ký hồ sơ giải ngân vốn
Thư trải lòng: “Em có bạn bè em đi làm ở bên Nhật Bản, bạn làm ổn rồi nên rủ em qua. Em chọn nghề điều dưỡng, chủ yếu phục vụ chăm sóc các cụ lớn tuổi trong viện dưỡng lão. Mức lương năm đầu theo hợp đồng được trả gần 29 triệu đồng/tháng/người. Xa gia đình, con nhỏ, xa quê hương để làm việc ở xứ lạ người em rất buồn nhưng vì tương lai, vì kinh tế em sẽ cố gắng vượt qua. Vợ chồng em sẽ phấn đấu làm việc để phụ giúp kinh tế gia đình và mong công việc thuận lợi để khi trở về nước mình có số vốn kha khá làm ăn”.
Ông Bùi Văn Phổ, cha em Thư tâm sự: “Khi tôi liên hệ làm hồ sơ, thủ tục để vay vốn thì được các anh em bên Ngân hàng hỗ trợ rất nhiệt tình, chu đáo và giải ngân rất nhanh, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần. Nhận được vốn vay tôi rất mừng và yên tâm. Nợ được chia nhỏ ra để trả định kỳ và lãi suất thấp tạo thuận lợi cho chúng tôi rất nhiều”.
Không chỉ riêng trường hợp của em Thư mà nhiều lao động khác đã được sang nước ngoài làm việc nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Việc triển khai kịp thời và có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách cho vay xuất khẩu lao động của NHCSXH huyện Ngọc Hiển đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển./.