Nguyên liệu làm than đước.
Xếp củi vào lò, đây là khâu khá quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có nghề vì không khéo than sẽ không đạt chất lượng.
Việc đốt và canh lửa cho than luôn được kiểm tra thường xuyên.
Trước đây, rừng đước Cà Mau còn bạt ngàn, người làm nghề chỉ cần vào rừng lựa những cây đước có thân to (đường kính trên 10cm) đốn hạ làm nguyên liệu, từ đó dẫn đến việc khai thác không hợp lý, làm diện tích rừng đước ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, có một thời gian nghề hầm than đước bị mai một. Ngày nay nguyên liệu để hầm than cũng là gỗ đước, nhưng là các loại gỗ tận thu như: chang đước, gốc đước.
Than ra lò.
Thợ lò than Nguyễn Hùng, 55 tuổi, 18 năm trong nghề.
Muốn hầm được than, ngoài có nguyên liệu thì trước tiên phải có lò. Lò được xây từ gạch thẻ và đất bùn, có hình bầu tròn giống như chiếc nón úp xuống, cao khoảng 3m, đường kính khoảng 4 - 5m, có cửa lò để chất củi vào và lấy than (trong quá trình hầm than, cửa này được bít lại, chỉ chừa khoảng nhỏ để đốt lửa) và 3 ống cho khói thoát ra. Người thợ lành nghề khi nhìn khói thoát ra này để gia giảm hoặc tăng thêm lửa, hay biết được than trong lò đã chín hết hay chưa. Nói về nghề hầm than, ông Lê Văn Thành, 68 tuổi ở xã Lý Văn Lâm - TP. Cà Mau, người có hơn 30 năm theo nghề, cho biết: “Nghề này lãi không nhiều, lại rất cực và chịu ô nhiễm từ khói bụi. Mặc khác, nếu không chú tâm có thể làm hư mẻ than như chơi”.
Loại than vụn, gãy thường được bán giá 7 - 8 ngàn đồng/kg, thấp hơn so với loại than có kích thước lớn 10 - 12 ngàn đồng/kg.
Phụ nữ cũng có thể tham gia sản xuất than đước.
Chuẩn bị giao hàng.
Hiện nay, nghề hầm than đang được khôi phục dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cấp chính quyền và ngành chức năng. Nhiều công ty, hợp tác xã sản xuất than đước có “thương hiệu Cà Mau” đã ra đời. Việc khôi phục các nghề truyền thống và quy hoạch làng nghề đang được chú trọng, qua đó tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.