Hiện nay, ngoài việc nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã tận dụng đất trống xung quanh nhà, bờ bao vuông tôm, đất dọc theo các tuyến lộ của gia đình để trồng rau màu tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã phát triển được hơn 373 ha rau màu, đạt 37,3% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Để phục vụ cho các điểm du lịch, chợ và người dân trên địa bàn. Các loại rau màu được người dân trồng chủ yếu là các loại cải, dưa leo, đậu đũa, đậu bắp, khổ qua, bầu, bí,…
Điển hình như bà Trần Thị Minh, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi đã có hơn 05 năm trồng màu. Với khoảng 1.000m2 diện tích đất trống bà Minh trồng quanh năm, từ các loại rau trồng này mỗi ngày gia đình bà thu nhập từ 150.000 – 250.000 đồng. Như vậy, trừ chi phí mỗi tháng gia đình bà thu lãi trên 07 triệu đồng. Do nắm bắt được nhu cầu thị trường, nên đầu ra luôn ổn định.

Bà Minh thu hoạch rau để cung cấp cấp cho thị trường
Bà Trần Thị Minh, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển chia sẽ “Đối với vùng đất huyện Ngọc Hiển nước mặn quanh năm, nhưng diện tích đất rộng nên tôi mới quyết tâm cải tạo đất để trồng rau màu, cây ăn trái. Lúc đầu tôi chỉ trồng trong thùng xóp để phục vụ gia đình, sau thời gian trồng thấy rau màu phát triển tốt, tôi mới nhân rộng ra mô hình ra thêm. Khi rau màu ngày càng nhiều tôi mới đem ra chợ bán và bỏ mối cho các điểm du lịch trên địa bàn xã. Đối với mô hình rau màu này cũng dễ thực hiện, quan trọng nhất là xuyên năng chăm sóc là rau màu phát triển tốt, đối với trời nắng như hiện nay tôi chịu khó tưới nước và căng lưới để giảm nhiệt độ, nhưng đổi lại rau màu mùa này phát triển khá tốt, còn mùa mưa thì nâng suất rau màu không bằng mùa này. Thông qua mô hình này mà thu nhập của gia đình tôi có phát triển hơn trước đây chưa thực hiện”.
Để chọn rau màu, cây ăn trái phát triển tốt trong mùa nắng như hiện nay, chị Thiều Thị Thủy, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi chọn trồng đu đủ, bí, dưa gang để phục vụ cho các điểm du lịch và người dân trên địa bàn. Mặt dù, các loại quả này dài ngày nhưng với sự cần cù, siêng năng chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nắm bắt được nhu cầu thị trường nên mỗi vụ xuống giống chị Thủy điều có thu lãi cao. Chị hiều Thị Thủy, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển thông tin “Riêng tôi thấy vùng đất này thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái, dây ra quả bởi đất nơi đây có rất nhiều phân trộn lẵn trong đất, như phần đất xung quanh nhà tôi chỉ có 500m2, nhưng tôi trồng đu đủ và dưa gang hơn 6 năm nay, năm nào cây cũng chịu quả. Đối với cây đu đủ hoặc dưa gang thì thời gian thu hoạch kéo dài hơn so với các loại rau màu khác, nhưng giá cả cao hơn. Đến khi thu hoạch bà con ở đây rất ưu chuộng, vì mình trồng không dùng thuốc và trái ngọt hơn các vùng trên đem về bán cho bà con”.
Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho biết “Thời gian qua, Hội phụ nữ xã Đất Mũi tích cực vận động chị, em tham gia sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cho chị, em. Qua đó, nhiều chị, em phụ nữ đã mạnh dạng áp dụng nhiều mô hình như: mô hình nuôi cá, chăn nuôi, mua bán nhỏ,...Đặc biệt, mô hình trồng rau màu, cây ăn trái được nhiều chi, em thực hiện, từ đó đem lại thu nhập cho gia đình. Để hỗ trợ đầu ra cho bà con, Hội đã giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục vận động chị, em phụ nữ nhân rộng mô hình trồng rau màu, cây ăn trái nhằm tạo ra sản phẩm cho người tiêu dùng và phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn cho chị, em cách trồng đạt hiệu quả, đạt năng suất hơn trước đây”.
Với sự quyết tâm đa dạng hóa cây trồng vật nuôi trên cùng diện tích để phát triển kinh tế gia đình. Chính vì vậy, mặc dù huyện Ngọc Hiển là đất mặn quanh năm, nhưng nhờ cần cù trong lao động và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình trồng rau được người dân triển khai rộng rãi tại các xã, thị trấn trong huyện, góp phần phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn./.