Thủy sản Ngọc Hiển: Tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhìn chung sản lượng đạt thấp so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ, nhưng huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì phát triển. Một trong những kết quả đáng mừng đó là: Qua tổng kết giai đoạn I Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nuôi trồng thủy sản huyện Ngọc Hiển giai đoạn 2009 – 2012 và định hướng đến năm 2015”, huyện đã xây dựng được 62 mô hình nuôi, thực hiện 328 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm với tổng mức vốn huy động thực hiện Đề án trên 2,4 tỷ đồng. Qua thực tế cho thấy, Đề án phát huy tính tích cực, được nhân dân ủng hộ và nhân rộng thực hiện, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thủy sản của huyện. Bên cạnh đó, việc nuôi và khai thác các loài thủy sản được chú trọng đẩy mạnh thực hiện, nhằm huy động tất cả các nguồn phục vụ tốt cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, huyện Ngọc Hiển chưa có nhiều tàu khai thác biển xa bờ để khai thác tốt tiềm năng của khu vực biển khơi.
Khai thác thủy sản trên sông, rạch và trên biển được đánh giá là tiềm năng, thế mạnh lớn của huyện, từng bước được huyện khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực để nâng cao sản lượng. Nhờ đó, khai thác thủy sản đạt được kết quả khá khả quan, vượt so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ. Đặc biệt, huyện đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy hải sản giai đoạn 2012 – 2015; theo kết quả ban đầu ghi nhận, đây là mô hình mới mang lại giá trị kinh tế khá, cơ bản giúp ngư dân ổn định sản xuất lâu dài và đang được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ; đồng thời Đề án này còn phát huy hiệu quả tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng khai thác giống thủy sản ven sông, rạch, ven biển gây sát hại đến nguồn lợi giống thủy sản.