Có dịp đến thăm ấp Cái Mòi 2 lần, lần nào tôi cũng vẹn nguyên cảm xúc và cảm phục trước người trưởng ấp nhiệt tình, đầy trách nhiệm.
Lần đầu tiên, cuối năm 2018, tôi tháp tùng với đoàn cán bộ huyện xuống trao quà Tết cho những hộ đồng bào dân tộc nghèo của ấp. Vì địa hình cách trở, không có lộ bê tông, chúng tôi phải di chuyển bằng đò. Trước mắt tôi là hình ảnh những ngôi nhà sàn, cao cẳng, được dựng bằng gỗ tạm, xập xệ, cất san sát nhau. Ở mé bờ xung quanh nhà dân thì các loại bọc ni lông, chai nhựa và rất nhiều loại rác khác tấp vào. Đò dừng lại ở sân trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, đón tiếp chúng tôi là trưởng ấp Bảy Hiền, dáng người nhỏ nhắn, nước da ngâm đen, niềm nở báo cáo: “Nghe có quà Tết, bà con ai nấy cũng mừng, tập trung đầy đủ từ sớm”. Nói rồi ông sốt sắng xuống đò, tự tay xách từng phần quà của bà con lên trụ sở.
Trưởng ấp Bảy Hiền (bìa trái) thu gom rác vận chuyển về bãi tập kết
Sau khi phát 150 suất quà cho bà con, trưởng ấp đon đả mời chúng tôi ly nước, cho hay: “Theo chính sách thì chỉ có 70 hộ đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở ấp được nhận quà Tết. Tuy nhiên, xét thấy nhiều hộ dân hoàn cảnh khó khăn, tôi đã vận động mạnh thường quân thêm 80 suất, mỗi suất 400 ngàn đồng để trao cho tất cả những hộ khó khăn trên địa bàn, để bà con đón xuân vui tươi, đầm ấm. Thấy bà con phấn khởi, mình cũng vui lây”.
Nhấp ly trà, ông Hiền trầm giọng: “Ấp Cái Mòi có 224 hộ dân, trong đó có 40 hộ đồng bào dân tộc với hơn 220 khẩu. Toàn ấp có 90 hộ dân có đất nuôi tôm, còn lại làm nghề tự do, một số thì làm thuê, làm mướn, số thì bám rừng, bám biển, mò cua, bắt ốc, bắt ba khía,… trang trải qua ngày, cuộc sống bấp bênh. Do đó, số hộ nghèo, cận nghèo còn cao ngất ngưỡng, chiếm hơn 55%. Bà con còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước; an ninh trật tự còn phức tạp. Giảm nghèo đã khó, việc xây dựng nông thôn mới lại càng khó hơn”. Hướng mắt về dãy nhà xập xệ với rác thải ngổn ngang xung quanh, ông Hiền giữ vững niềm tin son sắt: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Hẹn sau vài năm nữa, ấp Cái Mòi sẽ đổi khác”.
Giữa tháng 3 vừa qua, trong chuyến hẹn thực hiện phóng sự về mô hình nuôi cá thòi lòi trong ao đất, tôi trở lại ấp Cái Mòi, gặp lại ông trưởng ấp xưa, cảm phục khi lời nói chắc nịch ngày nào đã thành sự thật.
Cái Mòi nay đã “thắm da, đỏ thịt”. Đường vào ấp đã có lộ bê tông phẳng phiu, nối dài với hoa kiểng, cây xanh dọc hai bên đua nhau khoe sắc. Nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng; rác thải được thu gom, xử lý sạch sẽ, tươm tất, bà con chí thú làm ăn. Hiện ấp chỉ còn 14 hộ nghèo, cận nghèo, theo lộ trình, đến năm 2025 tiến tới xóa trắng hộ nghèo.
Nói về thành quả này, ông Hiền tâm đắc, mấu chốt để thay đổi là phải nói cho dân nghe và làm cho dân tin. Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ông Hiền không quản ngại sớm tối gắn bó, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, đến nỗi ông thuộc nằm lòng tên từng hộ, kể cả hoàn cảnh, số lượng thành viên,... của từng nhà.
Để tạo điều kiện tối đa giúp người dân thoát nghèo, vươn lên, ông Hiền cùng với đoàn thể ấp cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Tùy vào từng trường hợp, địa phương đề ra hướng hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả nhất.
Ông Hiền cho biết: “Đối với những trường hợp nghèo do thiếu đất hoặc không có phương tiện sản xuất, thì phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho bà con. Hộ nào khó khăn về nhà ở thì vận động mạnh thường quân, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; hộ già neo đơn thì vận động mạnh thường quân hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm hàng tháng… Riêng với trường hợp nghèo do chưa cố gắng lao động thì gặp gỡ trực tiếp tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để khơi dậy tinh thần tự lực của bà con”.
Ngoài ra, ông Hiền còn đề xuất, phối hợp cùng với chính quyền địa phương mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vận động bà con tìm việc làm ở các công ty, xí nghiệp để có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, phân công đảng viên, đoàn thể phụ trách từng hộ, trực tiếp kèm cập, hướng dẫn bà con cách làm ăn. Nhờ sáng tạo trong cách làm, quyết liệt trong hành động, hộ nghèo trên địa bàn ấp, nhất là bà con dân tộc thiểu số dần thay đổi nếp sống, chủ động làm ăn, công cuộc giảm nghèo của ấp Cái Mòi đã thành công và thu về “trái ngọt”.
Ông Nguyễn Văn Yên, ấp Cái Mòi bộc bạch: “Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn. Sống ở vùng đất ven cửa biển, không có đất ở, thiếu đất canh tác lại thêm chẳng có phương tiện ra khơi đánh bắt nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Nhờ ông Bảy Hiền tới lui động viên còn tạo điều kiện cho gia đình vay 40 triệu đồng đầu tư sắm sửa ghe lưới cá khoai mới có kế sinh nhai ổn định. Từ ngày làm lưới, trung bình mỗi tháng thu về hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 15 triệu. Ngoài con nước đánh cá, tôi đi đặt xà di bắt cá thòi lòi để kiếm thêm thu nhập. Ông Hiền còn giúp tôi kết nối với mấy điểm du lịch sinh thái cộng đồng, khi nào có cá thì bán cho họ. Cá lớn thì đem bán cho nhà hàng, cá nhỏ thì bán cho ông Hiền nuôi nên không lo về đầu ra. Nhờ ông Hiền mà vợ chồng tôi đã thoát nghèo, kinh tế khấm khá hơn”.
Vừa được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới kiên cố, anh Hà Văn Tèo, ấp Cái Mòi xúc động: “Hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh, đối với vợ chồng tôi, tiền lo bữa cơm qua ngày cho 4 miệng ăn đã khó nên việc cất ngôi nhà mới để ở chỉ là niềm mơ ước. Mới đây, nhờ ông Bảy giúp đỡ, gia đình tôi được hỗ trợ 80 triệu đồng cất được ngôi nhà khang trang. Ngoài ra, ông Bảy còn hỗ trợ gia đình 5 con chồn giống để nuôi. Đồng thời kèm cặp, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đàn chồn đang phát triển tốt. Từ nay, vợ chồng, con cái có chỗ che mưa, che nắng an toàn, có mô hình kinh tế, yên tâm làm ăn, cố gắng vươn lên để không phụ tấm lòng của trưởng ấp”.
Bên cạnh công tác giảm nghèo, ông Hiền còn tâm huyết với chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0, nay ấp Cái Mòi đã về đích 15/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt như: Nhà ở, Giao thông, Văn hóa, đều có hướng thực hiện để nhanh chóng hoàn thành nhưng riêng Môi trường là điểm nghẽn lớn nhất khiến ông Hiền trăn trở.
Để gỡ nút thắt này, một mặt ông ra sức vận động nguồn tài trợ để tặng thùng, sọt đựng rác miễn phí cho bà con, hướng dẫn bà con thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt đúng quy định. Mặt khác, ông phát động phong trào “Đổi rác lấy quà” đến từng em nhỏ và học sinh trên địa bàn, giao cho đoàn thanh niên và phụ nữ ấp phụ trách. Mỗi ký rác thải, ve chai được mua với giá từ 1 - 3 ngàn đồng. Ngoài ra, ông còn tặng thêm quà, bánh, kẹo, nước uống, tạo động lực cho các bạn tham gia. Nguồn kinh phí này do ông tự bỏ tiền túi để thực hiện. Từ đầu năm 2022 đến nay, ông Hiền đã thu mua hơn 2 tấn rác, đồng thời, ông tập kết, phân loại và xử lý bài bản, hẳn hoi.
Em Sơn Thị Tuyến, 10 tuổi, ấp Cái Mòi chia sẻ: “Mỗi ngày sau khi đi học về, con cùng với các bạn trong xóm thường rủ nhau đi lượm ve chai xung quanh nhà để bán kiếm tiền đi học. Ông Bảy trưởng ấp nói, miễn là chai lọ, bao, bọc, kể cả vỏ hàu, vỏ ốc gì thì ông cũng mua, do đó ngày nào con cũng gom, vừa bán lấy tiền vừa góp phần làm sạch môi trường nên con rất thích”.
Chị Thạch Diễm Ngọc, ngụ ấp Cái Mòi bộc bạch: “Chứng kiến những em nhỏ, học sinh vất vả lượm ve chai để bán kiếm tiền, góp phần làm sạch môi trường, gia đình đã không còn vứt rác bừa bãi như trước. Rác thải được gia đình phân loại, xử lý theo hướng dẫn của chính quyền, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”.
Phong trào cũng từ đó đã lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư. Hàng tuần vào ngày thứ bảy và chủ nhật bà con sẽ cũng tham gia phát hoang, dọn cỏ, trồng, cắt tỉa hoa, cây cảnh, chỉnh trang nhà cửa, tích cực thay đổi diện mạo của ấp ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp.
Để dân tin tưởng, tín nhiệm, ông Hiền cũng ra sức thi đua phát triển kinh tế gia đình. Hiện ông là một trong những hộ tiên phong thực hiện thành công mô hình nuôi cá thòi lòi ở huyện cực Nam. Theo ông Hiền, trước đây, khi thấy người dân săn cá thòi lòi về bán, lượng cá nhỏ khá nhiều, bán ra giá thấp nên ông quyết định thu mua, tận dụng diện tích đất trống đào ao nuôi thử. Ao nuôi 120m2, ông Hiền thả cá loại 20 – 25 con/kg. Hằng ngày lấy nước ra vào, cho ăn 01 cử bằng cá tạp, ba khía hoặc chù ụ. Sau khoảng 3 – 4 tháng nuôi, cá đạt 8 – 10 con/kg xuất bán với giá 100 ngàn đồng/kg vừa đem về nguồn thu cho gia đình, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương.
Theo ông Hiền, cá thòi lòi dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và phù hợp với hộ ít đất sản xuất. Dự tính tới đây, ông sẽ hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con để nhân rộng mô hình này. Nếu thành công ông sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi cá và chế biến khô cá thòi lòi, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho bà con.
Với những việc làm ý nghĩa thời gian qua đã đủ mang lại sự tin yêu của người dân địa phương đối với trưởng ấp gần dân, hết lòng phục vụ Nhân dân này. Cái Mòi nay đã khác xưa, nhưng ông Hiền vẫn chưa thỏa nguyện. Và, trưởng ấp này vẫn đang ấp ủ rất nhiều dự định, kế hoạch để phát triển kinh tế, đời sống cho bà con, nhất là đồng bào dân tộc, tiến tới xây dựng quê hương văn minh, tiến bộ, đạt chuẩn nông thôn mới. Bởi ông luôn tâm niệm: “Cán bộ phải là đầy tớ thực sự trung thành của dân” và “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” theo lời dạy của Bác Hồ.
Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Võ Công Trường cho biết: “Liên tiếp những năm gần đây, ông Hiền được khen tặng là người có uy tính trong đồng bào dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều thành tích khác. Điều mà ông và cán bộ xã, ấp quý nể Trưởng ấp Bảy Hiền là sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, uy tín với dân. Do đó, các cấp từ xã, huyện, tỉnh khen ông thể hiện qua giấy khen, bằng khen, còn người dân ấp Cái Mòi thì thể hiện qua tình cảm và sự đồng thuận”./.